Rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ chế chính sách giảm nghèo
Theo VỤ TRƯỞNG, CHÁNH VĂN PHÒNG QUỐC GIA GIẢM NGHÈO, BỘ LĐ, TB VÀ XH NGÔ TRƯỜNG THI, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong 2 năm 2014 - 2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016 – 2020, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ chế chính sách giảm nghèo theo hướng không xáo trộn chính sách hiện hành và đối tượng thụ hưởng; đối với những chính sách không hiệu quả hoặc bị chồng chéo cần sửa đổi ngay.
- Thưa Ông, Ông đánh giá như thế nào về kết quả tổng hợp báo cáo đánh giá giữa kỳ mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015?
Ông Ngô Trường Thi: Giám sát đánh giá là nội dung, hoạt động thường xuyên đối với bất kỳ chương trình nào, trong đó có chương trình giảm nghèo. Trong năm 2013 cùng với việc UBTVQH thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ, TB và XH cũng đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đánh giá giữa kỳ mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 -2015. Qua giám sát của QH cũng như kết quả ban đầu tổng hợp kết quả đánh giá giữa kỳ mục tiêu giảm nghèo, trước hết trong tất cả đánh giá đều đã khẳng định giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán, góp phần ổn định đời sống và tăng trưởng bền vững. Thứ hai là thông qua giảm nghèo đã từng bước nâng cao đời sống của người nghèo, cải thiện bước đầu bộ mặt của nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Con số rõ nét nhất là tỷ lệ giảm nghèo qua tất cả các kênh đều rất ấn tượng. Cụ thể, trong gần 3 năm qua (2011 – 2013) đã giảm được gần 2/5 số lượng hộ nghèo so với năm 2010. Thứ ba là để đạt được những kết quả đó có phần quan trọng của một hệ thống chính sách tương đối đồng bộ.
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chương trình, chính sách giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, bất cập, thưa Ông?
Ông Ngô Trường Thi: Về hạn chế, bất cập trong giảm nghèo, trước hết phải kể đến chính sách giảm nghèo hiện nay của nước ta rất nhiều, dàn trải, nên đã dẫn đến sự phân tán về nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, còn có nhiều chính sách chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa bàn khiến việc triển khai gặp khó khăn và không hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo bền vững, như chính sách dạy nghề lại bao gồm chương trình dạy nghề cho nông thôn, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, nông dân... dẫn đến ở cùng một địa bàn các chính sách đó đều triển khai, thậm chí một đối tượng có thể được hưởng mấy chính sách, gây trùng đối tượng. Tình trạng nhiều chính sách, chương trình dẫn đến quản lý cồng kềnh, gây lãng phí, trùng lắp, nguồn lực phân tán, không đáp ứng được nhu cầu thực sự của các hộ. Việc đánh giá hiệu quả chính sách gặp khó khăn. Nói cách khác, chính sách xóa đói giảm nghèo của nước ta còn ở tình trạng chắp vá, thiếu tính định hướng, chiến lược, thấy thiếu cái gì thì lại bổ sung, hoặc có chính sách tồn tại từ lâu mà không có cập nhật, thay đổi.
Thứ hai, một số chính sách hiện đang "có vấn đề", không mang lại hiệu quả rõ nét mà đang tạo ra tâm lý ỷ lại của một bộ phận dân cư, thậm chí là của cả một số địa phương. Ví dụ, chính sách hỗ trợ tiền điện, giống cây trồng vật nuôi, vì mức hỗ trợ quá thấp. Thứ ba, với nguồn lực phân tán như hiện nay để đạt được mục tiêu đã đề ra là rất khó, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều hơn. Thứ tư, dù đã thực hiện tương đối tốt vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng, tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do đang thiếu một cơ chế là trao quyền. Theo tôi, hỗ trợ chỉ là tạo điều kiện, hỗ trợ mà không giúp người nghèo ý thức được trách nhiệm của mình thì mọi sự hỗ trợ đều không có hiệu quả. Nhưng nếu phát huy được vai trò của cộng đồng trong tổ chức thực hiện giảm nghèo thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn và sẽ tránh được chi phí trung gian. Thứ năm, hiện nước ta vẫn đang duy trì cách tiếp cận đo lường nghèo dựa vào thu nhập. Tức là với một chuẩn nghèo được đưa ra, những người qua điều tra, rà soát có thu nhập dưới chuẩn nghèo thì được coi là người nghèo. Phương pháp này có nhược điểm là đối với những người có mức thu nhập chênh lệnh không nhiều lắm nhưng lại không phải là hộ nghèo, cận nghèo.
![]() |
- Vậy, theo Ông thời gian tới cần thực hiện những giải pháp gì để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả hơn nữa?
Ông Ngô Trường Thi: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong 2 năm 2014 - 2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016 – 2020, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ chế chính sách giảm nghèo theo hướng không xáo trộn chính sách hiện hành và đối tượng thụ hưởng; đối với những chính sách không hiệu quả hoặc bị chồng chéo thì cần sửa đổi ngay. Việc sắp xếp lại chính sách cần thực hiện sớm và phải chỉ rõ từng nhóm chính sách sẽ thiết kế lại như thế nào. Đồng thời, cần phải có sự chuyển đổi cơ bản về hệ thống cơ chế chính sách giảm nghèo, đặc biệt nhấn mạnh phần tiếp tục phân cấp, đẩy mạnh phân cấp và trao quyền cho cộng đồng. Làm được như vậy mới tạo được sự dân chủ, mới giám sát được, đặc biệt là huy động được sự tham gia của người dân. Chẳng hạn, trong xây dựng cơ sở hạ tầng có những công trình đơn giản như đường bê tông, mương thủy lợi... có thể tạo cơ chế để giao cho cộng đồng làm. Cộng đồng tự làm và tự giám sát sẽ không xảy ra thất thoát. Tuy nhiên, muốn tăng cường tham gia của cộng đồng thì trước hết phải mở từ cơ chế, để cộng đồng có thể trở thành một chủ thể đứng ra tổ chức thực hiện các mô hình sinh kế, tự đứng ra tổ chức chuyển giao kỹ thuật, thực hiện các công trình hạ tầng đơn giản, quy mô nhỏ, nếu được như vậy sẽ phát huy được dân chủ cơ sở, huy động được sự tham gia của người dân về cả nguồn lực, đồng thời sẽ minh bạch hơn về nguồn vốn và tăng cường vai trò giám sát của người dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Ngoài ra, hiện nay các tổ chức quốc tế cũng đang khuyến cáo nên chuyển sang phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, tức là không chỉ dựa vào thu nhập mà còn dựa vào những nhu cầu tối thiểu nhất về quyền con người để xác định những chiều thiếu hụt như về giáo dục, y tế, điều kiện sống, nhà ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng… Việc sử dụng phương pháp tiếp cận do lường nghèo đa chiều sẽ minh bạch hơn, khoa học hơn, phù hợp hơn và tránh được những khiếm khuyết do phương pháp do lường nghèo dựa vào thu nhập. Tuy nhiên, ở đây cũng cần phân biệt chuyển đổi phương pháp tiếp cận do lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, chứ không phải là chuyển chính sách, bởi bản thân hệ thống chính sách giảm nghèo của nước ta đã đa chiều rồi.
- Xin cám ơn Ông!