Chính trị

Rà soát quy định dẫn chiếu bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật

Diệp Anh 09/05/2025 20:20

Phát biểu tại hội trường ngày 9/5, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát toàn diện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nhất là các quy định dẫn chiếu, sửa đổi luật khác đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp, nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Nguyễn Vân Chi nêu rõ: đây là dự luật có kỹ thuật lập pháp phức tạp, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác đã và đang được sửa đổi trong cùng kỳ họp. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi trong tổ chức thực hiện, đại biểu tán thành với ý kiến của các đại biểu về việc cần rà soát toàn diện dự thảo.

z6584880044327_36808d3ac0faf6c4301052b185e25f2f.jpg
ĐBQH Nguyễn Vân Chi phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số hiện đang dẫn chiếu hoặc quy định sửa đổi nhiều nội dung của các luật chuyên ngành như Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, các luật này cũng đang được Quốc hội xem xét sửa đổi tại kỳ họp này thông qua một số dự thảo luật khác. Việc để cùng một nội dung được sửa ở nhiều luật trong cùng kỳ họp sẽ gây khó khăn lớn khi triển khai, dễ phát sinh chồng chéo, thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi cũng nhấn mạnh: trường hợp cần sửa đổi các luật khác, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần tuân thủ nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ điều nào, khoản nào của luật khác được sửa. Không nên quy định nội dung tương tự ở nhiều văn bản cùng thời điểm.

Đặc biệt, phân tích kỹ mối quan hệ giữa dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp - hai luật được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho biết: hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đang có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến chính sách thuế, như: ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm; cho phép doanh nghiệp được trừ 150% chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị sản xuất; và đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trừ đến 200%...

z6584364791115_57a21a687ff7430822488329a61c0585.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Điều 15 chỉ cho phép áp dụng hệ số chi phí cao hơn đối với các khoản chi cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, chứ không áp dụng cho đầu tư tài sản cố định. “Nếu mở rộng ưu đãi như quy định trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số thì về bản chất là Nhà nước đang hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư tài sản của doanh nghiệp - điều này có thể làm lệch chuẩn nguyên tắc điều tiết thuế”, đại biểu Nguyễn Vân Chi băn khoăn.

z6584364779341_b5fe9c38d68bf40892f903cc8f348bee.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Nghĩa Đức

Đáng lưu ý, cả hai dự thảo luật đều đang quy định: “trong trường hợp có mâu thuẫn thì áp dụng theo luật này”. Việc để tồn tại đồng thời hai quy định cùng hướng áp dụng ưu tiên luật riêng sẽ dẫn đến xung đột pháp lý trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và đối tượng chịu thuế.

z6584364799188_02e3a8b4f7991de6d1649ea208bd3e94.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Nghĩa Đức

Vì vậy, đại biểu đề xuất: các chính sách liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp nên được tập trung quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu cần dẫn chiếu từ luật chuyên ngành, phải quy định cụ thể nội dung nào được sửa, bổ sung tại điều, khoản nào của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đúng theo trình tự lập pháp. Điều này bảo đảm sự minh bạch, khả thi và tuân thủ nguyên tắc hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Vân Chi cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát toàn diện các nội dung trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số liên quan đến các luật thuế - đặc biệt là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu - để chuyển sang các dự thảo luật thuế tương ứng đang được trình cùng kỳ, nhằm tránh trùng lặp và bảo đảm tính nhất quán của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rà soát quy định dẫn chiếu bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO