Bảo đảm phù hợp trong phân bổ vốn thực hiện
Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS và miền núi. Đây là Chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.
Theo ĐBQH Mai Văn Hải, việc triển khai thực hiện chương trình bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được những tác động tích cực đến đời sống người dân; đặc biệt, là ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, như: thực hiện khá tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai nên việc cần phải điều chỉnh một số chủ trương là cần thiết. Đại biểu cho rằng, cần xem lại thời gian áp dụng điều chỉnh vốn thực hiện chương trình. Bởi, giai đoạn 1 (2021 - 2025), vốn đầu tư công đã được giao cho các địa phương; vốn sự nghiệp cũng đã được phân bổ đến hết năm 2024. Do vậy, cần nêu rõ là điều chỉnh bổ sung cho giai đoạn 2026 - 2030 là hợp lý. Đồng thời, việc phân bổ vốn trung hạn hàng năm và phân bổ vốn sự nghiệp cũng phải phù hợp, tránh trường hợp phân bổ, giao vốn sự nghiệp và phân bổ vốn đầu tư công không ăn khớp sẽ ảnh hưởng lớn đến bố trí vốn cho các dự án cụ thể.
Không nên điều chỉnh đối tượng đã được phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn
Liên quan đến điều chỉnh đối tượng thuộc diện đầu tư của chương trình, đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh, việc này rất cần thiết để giúp một số đối tượng thụ hưởng tại các dự án 4, 5, 6, 7 thuộc chương trình có trụ sở nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này sẽ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và bảo đảm sự thống nhất giữa chủ trương đầu tư với các nội dung đầu tư của chương trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện chương trình, đưa chính sách vào cuộc sống giúp đồng bào DTTS được hưởng thụ đầy đủ các chính sách của chương trình.
Theo đại biểu, Quyết định số 1719-QĐ-TTg quy định đối tượng đầu tư Tiểu dự án 2 thuộc dự án thành phần 4 về đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc đã xác định rõ đối tượng các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực dân tộc bao gồm: Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương; Trường dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn; Trường dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang; Trường dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh; Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc; Trường Hữu nghị T78; Trường Hữu nghị 80; Trường Đại học Tây Bắc; Trường Đại học Tây nguyên; Trường Đại học Tân Trào.
Tuy nhiên, các hạng mục này đã được Quốc hội phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn. Vì vậy, cần rà soát lại đối tượng cụ thể thuộc diện điều chỉnh của chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc 4 nhóm đối tượng điều chỉnh, để không trùng với đối tượng đã được phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn như: Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc; Trường Hữu nghị T78; Trường Hữu nghị 80. Ngoài ra, không nên điều chỉnh đối tượng đã được phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn, mà chỉ cần điều chỉnh sang vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp được phân bổ hàng năm.
Về một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần rà soát để không trùng lặp với nội dung các chương trình khác như: một số trung tâm y tế, bệnh viện huyện có xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được đầu tư theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc điều chỉnh đối tượng các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS, theo đại biểu, vấn đề này Quốc hội sẽ xem xét quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Do đó, cần rà soát và đưa việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để có sự quản lý thống nhất, tập trung, dễ triển khai tổ chức thực hiện.