Các đại biểu Tổ 17 nhấn mạnh, thực trạng tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng đang tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Tình hình ma túy trong nước diễn biến rất phức tạp với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%). Do đó, việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy là hết sức cần thiết và cấp bách.
Các đại biểu cũng kỳ vọng, Chương trình sau khi được triển khai sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý... Qua đó, từng bước làm giảm bền vững số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng tình cao với Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Ủy ban Xã hội, ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến 22.450,194 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 4.674,537 tỷ đồng và khoảng 50 tỷ đồng vốn huy động hợp pháp khác là khá "khiêm tốn" so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Do đó, để bảo đảm nguồn vốn kịp thời, hiệu quả thực hiện Chương trình, cơ quan chủ trì xây dựng cần làm rõ về: nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương; phương án bố trí vốn, tập trung đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm.
Theo ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang), thực tế hiện nay các đối tượng nghiện, sử dụng ma tuý rất phức tạp, tình trạng ma tuý len lỏi và trường học rất đáng nguy hại với nhiều thủ đoạn khác nhau, các loại hình ma tuý đa dạng hơn, ảnh hưởng tới sức khoẻ nghiêm trọng... Vì vậy, để chương trình thực sự hiệu quả cần phối hợp với các nguồn lực khác nhau để phát huy hiệu quả và tránh trùng lặp nguồn lực, lãng phí…
ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cũng đồng tình cho rằng, phòng, chống ma túy là công tác rất quan trọng vì đây là nguồn gốc của nhiều tệ nạn, nhiều loại tội phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, ma túy, gây ảnh hưởng đến nòi giống, an sinh xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả đất nước.
Đại biểu đề nghị, cần tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả của Chương trình đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là với thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, rà soát loại trừ những trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác….
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cũng nhất trí với tên gọi, sự cần thiết của chương trình và thống nhất cao với thời gian thực hiện của chương trình 2025 - 2030. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình nghiên cứu bổ sung vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khác, như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... Trong giai đoạn 2025 - 2030 nên ưu tiên phân bổ vốn cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách, địa phương khó khăn, biên giới, hải đảo để triển khai thực hiện Chương trình.