Thảo luận tại Tổ 17, các đại biểu đánh giá so với quy định hiện hành tại các luật liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về: đối tượng, phạm vi áp dụng; quy định việc tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương của nhà giáo; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo...
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo với những lý do được nêu tại Tờ trình số 656/TTr-CP của Chính phủ. Đồng thời, nhấn mạnh việc ban hành luật sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đi vào nội dung góp ý cụ thể, tại khoản 7 Điều 4, đại biểu đề nghị, thay cụm từ “cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” thành cụm từ “viên chức quản lý cơ sở giáo dục” cho phù hợp với hướng giải thích từ ngữ của Luật Viên chức, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Bởi, các khái niệm cán bộ, công chức, viên chức đã được thể hiện rõ tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành. Người làm quản lý trong các cơ sở giáo dục được xác định là “viên chức quản lý”.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng đề nghị bổ sung, điều chỉnh quy định liên quan đến tuyển dụng nhà giáo tại khoản 6 Điều 16 "Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài" thành: "Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách, tiếp nhận nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài". Qua đó, cũng để thống nhất với quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 16 của dự thảo: "b) Thực hiện thông qua tiếp nhận để trở thành nhà giáo".
ĐBQH Trần Hồng Minh (Cao Bằng) đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế độ lương, đãi ngộ với những người tập sự, thỉnh giảng. Đồng thời, đánh giá khả năng cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách nêu tại Chương V của dự thảo về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo (Điều 27 đến Điều 31) để bảo đảm khả thi khi chính sách được ban hành.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) kiến nghị, nên có quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Cùng với đó, về những người không được đăng ký dự tuyển nhà giáo, ngoài quy định tại điểm c (người đã có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.... ) đại biểu cũng đề nghị, nên cân nhắc bổ sung thêm các tội khác, như: hiếp dâm, dâm ô trẻ em...
Cũng liên quan đến quy định về tuyển dụng nhà giáo, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) đề nghị, cần làm rõ đối tượng đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng, quy định rõ đối tượng nào được đặc cách, đối tượng nào ưu tiên để khi triển khai thực hiện sẽ dễ cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ.
Đối với quy định “Người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo trong cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên” thuộc đối tượng được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo tại điểm d, khoản 3, Điều 16, đại biểu đề nghị nên bổ sung theo hướng: “Người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo trong cơ sở giáo dục từ 2 trở lên và có thời gian đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật, làm việc ở vị trí việc làm có tuyển dụng được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm; thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn)”...