Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Rà soát kỹ khi tích hợp giấy phép

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 06:41 - Chia sẻ
Có tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi với 6 loại giấy tờ, thủ tục hành chính khác liên quan đến môi trường hay không tiếp tục là nội dung được các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tập trung thảo luận tại Phiên họp toàn thể hôm qua. Quan điểm của các thành viên Ủy ban vẫn còn khác nhau.

Dễ "quyền anh, quyền tôi", không tốt cho ngành nông nghiệp

Theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, qua lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về chính sách tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi với 6 loại giấy tờ, thủ tục hành chính khác liên quan đến môi trường tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thì có 22/28 đoàn tán thành chỉ áp dụng một loại giấy phép môi trường. Như giải trình của Chính phủ, trong giấy phép này sẽ tích hợp 7 loại giấy tờ, thủ tục hành chính cấp phép về môi trường, trong đó có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Đồng thời, được bổ sung quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi khi xem xét nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả nước thải vào những công trình này.

Các đoàn đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án trên đây cũng thống nhất cho rằng, việc tích hợp 7 loại giấy tờ, thủ tục hành chính hiện hành vào giấy phép môi trường sẽ giải quyết phần lớn các vướng mắc, bất cập trong thực tế, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số đoàn đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, khi triển khai theo phương án này phải rà soát và có quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

6 đoàn đại biểu Quốc hội khác không đồng tình tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường chung. Lý do là bởi, việc giữ giấy phép này sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu trong ngành theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017. Cũng có một số đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, chỉ tích hợp 7 giấy phép môi trường đối với công trình thủy lợi có tính chất mở, liên thông, còn các công trình được xây dựng khép kín sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi.

ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)  

Ảnh: Thanh Hải

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chỉ ra thực tế, ngành nông nghiệp đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, có đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và năm 2020. “Sự phát triển của ngành nông nghiệp đạt được có sự tham gia của hệ thống thủy lợi”. Nhấn mạnh vai trò của hệ thống thủy lợi đối với nông nghiệp, đại biểu Đinh Duy Vượt cũng nêu rõ, Luật Thủy lợi năm 2017 mới được Quốc hội thông qua, thậm chí quy định về cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi còn được tiến hành biểu quyết riêng. Bên cạnh đó, việc vận hành công trình thủy lợi đang được tiến hành trơn tru, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, của kinh tế - xã hội. 

Trong các giấy phép được tích hợp vào giấy phép môi trường như đề xuất của Chính phủ có 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, chỉ có 1 giấy phép do Bộ NN - PTNT quản lý. Chỉ ra vấn đề này, đại biểu tỉnh Gia Lai cho rằng, nhận định việc tích hợp giấy phép sẽ giúp cải cách hành chính khó bảo đảm sự thuyết phục. Bởi, không khó để thấy, việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi không ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy phép môi trường, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hay ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Hơn nữa, nếu thực hiện theo phương án tích hợp 7 giấy phép hiện hành vào giấy phép môi trường, có nghĩa là, trạm bơm, công trình thủy lợi do ngành nông nghiệp xây dựng nhưng việc xả nước vào như thế nào lại phụ thuộc vào cơ quan khác điều hành. Nếu như vậy, đại biểu Đinh Duy Vượt lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “nhà mình xây nhưng người khác vào ở”, dễ xung đột quyền anh, quyền tôi, ảnh hưởng đến khách hàng, không tốt cho ngành nông nghiệp. “Luật Thủy lợi năm 2017 vừa được thông qua, nay lại thay đổi luôn là rất không nên”, ông lưu ý.

Bên cạnh đó, bộ máy vận hành, khai thác công trình thủy lợi được bố trí đến cấp xã, lên đến hàng nghìn người. Vậy khi thay đổi cơ quan quản lý sẽ sử dụng đội ngũ này như thế nào? Trong khi chưa khẳng định được hiệu quả của việc tích hợp giấy phép đã thấy được một số bất cập khi triển khai thực hiện. Chỉ ra những vấn đề nêu trên, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc xóa giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, không cẩn thận sẽ rơi vào tình thế “lợi bất cập hại”.  

Chú trọng tính khả thi

Nêu quan điểm khác về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhấn mạnh, các loại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước hoặc giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường và Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Nội dung quản lý nước thải vào các giấy phép này cơ bản giống nhau. Thực tế cũng cho thấy, việc cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn dựa trên cấp quản lý công trình không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Do vậy, nếu tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính này sẽ khó thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã thực hiện cải cách hành chính rất mạnh mẽ, xây dựng trục liên thông quốc gia, trục văn bản, cũng như hệ thống dịch vụ công quốc gia. Trong khi đó, Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua chưa triển khai dịch vụ công trực tuyến, tiến hành tích hợp, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính mạnh mẽ. Thực tế việc cung cấp dịch vụ hành chính công trong năm 2019 và 2020 đã khác với trước đây, trong khi, yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng 4.0 đòi hỏi quản lý nhà nước phải đổi mới. Do vậy, bà cho rằng, không nên ngần ngại khi sửa đổi quy định về cấp giấy phép xả nước thải tại Luật Thủy lợi năm 2017.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nói chung và việc tích hợp các loại giấy tờ, thủ tục hành chính hiện hành vào giấy phép môi trường nói riêng khó có thể tách rời những cải cách mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ hành chính công thời gian gần đây. Nhưng bằng cái nhìn thận trọng, đòi hỏi cao về tính khả thi của quy định tại dự thảo Luật, nhiều thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nêu ra nhiều vấn đề cần lưu ý xử lý trước khi trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Mười tới. Đơn cử như lưu ý của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, hiện không có doanh nghiệp, đơn vị nào cần xin tất cả 7 giấy phép, thủ tục hành chính về môi trường, thông thường chỉ xin 1 hoặc 2 giấy phép, cao nhất cũng chỉ cần 3 giấy phép. Vậy ở đây là tích hợp giấy phép hay thay mẫu nhận đơn xin cấp giấy phép môi trường? Hay như lưu ý của nhiều đại biểu, việc thay đổi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi cần tính đến bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ thủy lợi khá lớn hiện hành.

Lê Bình