Đó là một trong những nội dung trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cũng theo nội dung báo cáo, cử tri và Nhân dân lo lắng về tình trạng sử dụng bằng cấp giả để học thạc sĩ, tiến sĩ cho thấy công tác kiểm tra, giám sát các trường đại học chưa chặt chẽ; mối quan hệ giữa phụ huynh - giáo viên - nhà trường trong giáo dục ngày càng lòng lẻo và có khoảng cách, đạo đức học đường bị xuống cấp với nhiều thói hư, tật xấu, đặc biệt là sự ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với thế hệ trẻ dẫn đến bạo lực học đường, nói tục, chửi bậy.
Báo cáo cũng nêu, một bộ phận không nhỏ học sinh lười học tập, lười tu dưỡng đạo đức, định hướng nghề nghiệp không rõ ràng… “Để giải quyết những vấn đề này cần có chính sách quản lý sử dụng mạng xã hội và chính sách giáo dục phù hợp, hữu hiệu hơn trong tình hình mới nếu không sự nghiệp trồng người của đất nước ta không đạt được mục tiêu đề ra. Việc này không chỉ riêng của ngành giáo dục, của gia đình mà cả xã hội phải đồng tâm hợp lực mới giải quyết được” – báo cáo nhấn mạnh.
Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh”.
Tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành.
Qua giám sát cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được hoàn thiện, đã quy định tương đối toàn diện, đầy đủ những vấn đề cốt lõi trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, tiệm cận với chuẩn mực của khu vực và thế giới, phát huy quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch của các cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, một số quy định về đào tạo tiến sĩ chưa sát thực tế, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, cần nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với một số đơn vị, lĩnh vực đặc thù. Chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có chính sách để ưu tiên, khuyến khích, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy trình tổ chức, quản lý và việc tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của một số cơ sở còn bất cập; có nơi để xảy ra sai phạm, chậm được phát hiện và xử lý. Đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ còn bất cập, không đồng đều trong hệ thống. Một số đề tài, luận án tiến sĩ có hàm lượng khoa học chưa tương xứng với bậc đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng vẫn được chấp nhận thông qua, tạo ra những ý kiến lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội…
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới mục tiêu chất lượng; quán triệt quan điểm đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần đặc biệt coi trọng chất lượng; từng bước phát triển quy mô, cơ cấu đào tạo một cách hợp lý; gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng quy mô đào tạo tiến sĩ, nhất là ở các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi. Có chính sách khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, mũi nhọn… Đặc biệt, cần có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu sinh để họ chuyên tâm toàn thời gian nghiên cứu.