Chính trị

Rà soát, gỡ vướng về hiệu lực văn bản và quy định chuyển tiếp

Hải Thanh 16/05/2025 23:27

Chiều 16/5, thảo luận tại Tổ 11 về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các ĐBQH nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, quy định rõ ràng về thời điểm có hiệu lực của văn bản, đặc biệt là đối với các văn bản do địa phương ban hành, cũng như việc bảo đảm quy trình chuyển tiếp pháp lý thông suốt...

Đề xuất quy định cụ thể thời gian có hiệu lực đối với các văn bản do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành

Thảo luận tại tổ 11 ( gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, Vĩnh Long, Sơn La, Bắc Kạn), các ĐBQH cơ bản nhất trí với việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để luật này đồng bộ hóa với Hiến pháp và các luật hiện hành, đặc biệt là các quy định liên quan đến bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và chính quyền địa phương ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vẫn còn những điểm cần được điều chỉnh để tránh sự chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.

anh qc 16
ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) điều hành phiên thảo luận Tổ 11. Ảnh: Lê Nguyên

Góp ý về dự án luật này, ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) lưu ý đến Điều 53 của dự thảo luật về thời điểm có hiệu lực của văn bản. Đại biểu chỉ rõ: theo Điều 53 của Luật hiện hành, đối với các văn bản được ban hành theo quy trình rút gọn, có thể có hiệu lực ngay sau khi được thông qua hoặc ký ban hành. Khoản 2, điều 53 quy định văn bản hướng dẫn chi tiết phải được ban hành và có hiệu lực cùng lúc với văn bản pháp luật gốc giao nhiệm vụ hướng dẫn, hoặc kể từ thời điểm nội dung được hướng dẫn có hiệu lực. Đại biểu Hà Sỹ Huân nhấn mạnh, quy định như vậy đang gây ra nhiều khó khăn cho các địa phương. Bởi, khi nhận được văn bản từ cấp trên, các địa phương cần một khoảng thời gian để xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, trải qua nhiều bước như xin ý kiến, thu thập ý kiến, chuẩn bị hồ sơ và trình tại kỳ họp HĐND. Quá trình này thường kéo dài, dẫn đến việc các địa phương không thể ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời để chúng có hiệu lực đồng thời với văn bản cấp trên.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và sửa đổi theo hướng quy định một khoảng thời gian có hiệu lực cụ thể cho các văn bản do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành, nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế triển khai ở địa phương.

huan 16
ĐBQH Hà Sỹ Huân ( Bắc Kạn) phát biểu tại tổ, chiều 16/5. Ảnh: Lê Nguyên

Liên quan đến điểm a, Khoản 1 Điều 21 của dự thảo, quy định "HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định chi tiết điều, khoản, điểm hoặc nội dung được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên", đại biểu Hà Sỹ Huân đề xuất bổ sung thêm một nội dung: “Trừ các nội dung mà văn bản của cơ quan cấp trên đã quy định rõ thì không cần thiết phải cụ thể hóa lại”.

Lý giải về điều này, đại biểu cho rằng, có nhiều nghị định của Chính phủ khi ban hành đã có những quy định rất rõ ràng. Ví dụ, Nghị định 58 về một số chính sách lâm nghiệp đã quy định mức khoán quản lý và bảo vệ rừng tối đa là 500.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, các địa phương vẫn buộc phải ban hành thêm nghị quyết để cụ thể hóa lại những nội dung này, mặc dù không có sự thay đổi nào về bản chất, dẫn đến việc tốn kém thời gian và làm chậm trễ việc đưa chính sách vào thực tiễn.

Do đó, đại biểu kiến nghị cần có thêm quy định để các địa phương có thể áp dụng trực tiếp những quy định đã rõ ràng từ cấp trên mà không cần phải ban hành thêm văn bản chi tiết, trừ khi có sự khác biệt về chính sách hoặc mức chi riêng của địa phương.

Rà soát xử lý chuyển tiếp

Góp ý về khoản 5, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu việc đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành xây dựng chương trình lập pháp nhiệm kỳ trước ngày 1/6 như dự thảo Luật, thay vào đó là quy định mốc thời gian tối đa sau 6 tháng kể từ ngày bầu cử hoặc ngày đầu nhiệm kỳ mới phải hoàn thành chương trình lập pháp nhiệm kỳ mới để bảo đảm tính ổn định, lâu dài của luật và để các cơ quan chức năng có đủ thời gian chuẩn bị và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long)phát biểu. Ảnh: Lê Nguyên
ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) phát biểu. Ảnh: Lê Nguyên

Đại biểu Trần Quốc Quân cho rằng: thực tế nước ta trải qua 15 kỳ bầu cử Quốc hội và theo quy định tại khoản 3, Điều 71 của Hiến Pháp năm 2013 quy định “Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của UBTVQH. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh". Từ đó, thời gian tổ chức bầu Quốc hội nhiệm kỳ khóa mới có thể thay đổi đáp ứng với yêu cầu giai đoạn lịch sử cách mạng và quá trình phát triển đất nước.

Đối với quy định tại khoản 18, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 4 vào Điều 72 của luật hiện hành quy định về điều khoản chuyển tiếp, ĐBQH Trần Quốc Quân thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, trong đó có nội dung kiến nghị Ban soạn thảo và Chính phủ tiếp tục rà soát xử lý chuyển tiếp với các nhóm vấn đề: Việc chuyển giao hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện ban hành trước khi sắp xếp bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của đơn vị nhận chuyển tiếp (cấp tỉnh hoặc cấp xã); văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh quy định áp dụng riêng cho cấp huyện, cấp xã trước khi kết thúc hoạt động; việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với xã mới sáp nhập từ hai hay nhiều đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chuyển tiếp đối với những văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện như thế nào sau khi cấp huyện kết thúc hoạt động như quyết định phong tặng, trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp nhà nước cho cấp huyện; Quyết định công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vừa mới được công bố hoặc đã có quyết định mà chưa tổ chức lễ công bố... trong khoảng thời gian thực hiện lộ trình sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay.

Cũng tại phiên thảo luận tổ chiều 16/5, các ĐBQH tổ 11 đã góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Theo đó, bên cạnh bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất với các luật và nghị quyết đã được ban hành, các ĐBQH cũng đưa ra một số đề xuất cần bổ sung. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 27, đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) nhận thấy: quy định như trong dự thảo: "Các ý kiến phát biểu và ý kiến bằng văn bản sẽ được tổng hợp và giải trình tại các phiên họp" là chưa rõ và đầy đủ, cần bổ sung thêm cụm từ "tại phiên thảo luận tổ" tại khoản này. Theo đại biểu, mục đích của việc này là để nhấn mạnh rằng tất cả các ý kiến được đại biểu trình bày trực tiếp hoặc gửi bằng văn bản, bao gồm cả những ý kiến đóng góp tại các buổi thảo luận tổ, đều sẽ được tổng hợp và giải đáp tại các phiên họp chính thức.

"Tại các phiên họp toàn thể ở hội trường, thời gian phát biểu của mỗi đại biểu thường bị giới hạn. Trong khi đó, tại các phiên thảo luận tổ, các đại biểu có nhiều thời gian hơn để trình bày những ý kiến sâu sắc và đa dạng. Việc bổ sung cụm từ này sẽ giúp các đại biểu yên tâm hơn rằng dù họ phát biểu ý kiến ở tổ hay gửi văn bản, những đóng góp của họ vẫn sẽ được ghi nhận một cách chính thức", đại biểu lý giải.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rà soát, gỡ vướng về hiệu lực văn bản và quy định chuyển tiếp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO