Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực hiện hành nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các chính sách mới của Nhà nước…
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) lưu ý, chỉ sửa đổi, bổ sung các điều khoản để điều chỉnh các vấn đề thực sự cấp thiết; luật hoá các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không đưa nội dung quy định ở tầm Nghị định, Thông tư vào Luật. Đồng thời, thực hiện đúng quy định pháp luật, Quy định 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị; không vì sức ép thời gian mà ảnh hưởng đến chất lượng luật; bảo đảm luật có tính ổn định cao. Rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách, phát hiện và gỡ bỏ mọi chế định có biểu hiện “hợp pháp hoá sai phạm”, “cài cắm chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát và giữ lại một cách hợp lý những nội dung trong Luật Điện lực hiện hành đã được thực hiện tốt, ổn định. Sửa đổi, bổ sung các quy định, chế định gắn với yêu cầu cấp bách của thực tiễn (thí dụ quy hoạch, đấu thầu dự án đầu tư phát triển điện lực, hợp đồng mua bán điện…).
Ngoài ra, đối với những nội dung mới, cần thiết nhưng nếu còn nhiều ý kiến khác nhau thì nên để lại và tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm đồng thuận; tránh mất quá nhiều thời gian để thảo luận, tranh luận và xin ý kiến. Nghiên cứu hoàn thiện quy định về áp dụng pháp luật theo hướng tháo gỡ vướng mắc nhưng không phá vỡ hệ thống pháp luật về đầu tư, tài chính…
Đối với kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình 1 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, dự thảo Luật có quy mô lớn (130 điều, tăng 60 điều so với Luật Điện lực hiện hành), nội dung phức tạp, có tác động rộng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, phát triển điện lực của đất nước, chuyển đổi năng lượng và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời, phạm vi sửa đổi toàn diện, nhiều chế định mới, cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi luật hoá; thời gian cơ hữu để hoàn thiện dự án Luật rất eo hẹp. Vì vậy, tiến độ thông qua dự án Luật tại 1 kỳ họp là yêu cầu rất cao, không đủ điều kiện để thực hiện.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tiếp theo. Trường hợp đủ điều kiện, nội dung dự án chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ, đồng thuận cao thì báo cáo với Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Cũng băn khoăn về thời điểm thông qua dự thảo Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, nên thực hiện theo quy trình 2 Kỳ họp, bởi từ trước đến nay với các dự thảo Luật phải sửa đổi, bổ sung nhiều đều không xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. Đồng thời, điều kiện để thông qua quy trình 1 Kỳ họp đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; giải trình, tiếp thu các ý kiến đầy đủ; có đánh giá tác động rõ ràng...