Rà soát, điều chỉnh chính sách,tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 17:11 - Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các thầy cô, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các thầy cô, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Thái Nguyên nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, nắm bắt tình hình thực tế về chính sách giáo dục với con em đồng bào dân tộc thiểu số và những hạn chế, bất cập đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách… Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Các trường phổ thông dân tộc nội trú từng bước khẳng định những ưu điểm, ưu việt trong hệ thống giáo dục nước ta.

Đối với giáo dục các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ bất cập, kiến nghị của các cơ sở giáo dục để có sự điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp. “Các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải đi thực tế tận xã phường, làng bản, thôn ấp… mới cảm nhận được những khó khăn, thiệt thòi, thiếu thốn của những nơi này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị có giải pháp tổng thể để điều chỉnh chính sách đối với giáo viên mầm non một cách phù hợp; quan tâm các hoạt động ngoại khóa, thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử tốt đẹp của đất nước, của các dân tộc cho học sinh.

Thủ tướng mong rằng, các thầy cô với niềm tự hào và trái tim nhiệt huyết hằng ngày truyền tải kiến thức, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, lan tỏa sự yêu thương, lòng nhân ái, tinh thần vượt khó đến học sinh thân yêu. Học sinh hiểu giá trị lịch sử của mảnh đất cách mạng, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, truyền thống dân tộc, sự tin tưởng và hy vọng của cha mẹ, tấm lòng của các thầy cô, khát vọng của tuổi trẻ, cố gắng học tập, rèn luyện để thay đổi cuộc sống của mình, gia đình mình và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước…

PV theo baochinhphu.vn