Nhịp cầu

Rà soát, đánh giá hiệu quả các công trình cấp nước

- Thứ Tư, 01/07/2020, 07:51 - Chia sẻ

 

Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, qua giám sát việc đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đơn vị huyện đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn cần sớm được khắc phục.

Cụ thể, đối với việc đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn: Tiến độ thực hiện các dự án cấp nước tập trung trên địa bàn huyện còn chậm. Theo Đề án, giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đầu tư, nâng cấp 5 công trình cấp nước tập trung, tuy nhiên đến nay mới đầu tư 1 công trình tại xã Xuân Mỹ từ nguồn ngân sách tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư từ nhiều năm nhưng chưa đạt hiệu quả cao.

Hiện tại, trong 14 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện, chỉ có 7 công trình hoạt động tốt, 2 công trình hoạt động trung bình, 4 công trình không hoạt động, 1 công trình không đánh giá; công suất hoạt động của một số công trình thực tế chưa đạt 60% so với thiết kế (17.382 hộ/30.138 hộ); tỷ lệ người dân sử dụng thực tế so với thiết kế chỉ đạt khoảng 58%.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng giếng khoan, giếng đào trên địa bàn huyện chiếm khoảng 67,44%, tỷ lệ hộ sử dụng nước đáp ứng QCVN 02 đến nay mới chỉ đạt 47,4% (mục tiêu chung của tỉnh đến năm 2020 đạt 80%); tỷ lệ Trạm y tế xã sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 02 cũng chỉ đạt 69,23%. Đồng thời, qua kiểm tra xét nghiệm mẫu nước tại 13 xã trên địa bàn huyện, có 5 trạm cấp nước (xã Sông Nhạn, Sông Ray), 1 trường mầm non (xã Long Giao); 1 trạm y tế (xã Xuân Quế), kết quả không đạt chuẩn theo quy định. Đối với các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, những tháng đầu năm, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tại các công trình thủy lợi giảm sâu ảnh hưởng rất lớn đến năng lực tưới của các công trình.

Thực tế trên cho thấy, yêu cầu đặt ra trước hết, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm rà soát các công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa sử dụng hết công suất thiết kế, đánh giá hiệu quả của từng công trình, có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa các công trình bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt đồng hồ, sử dụng nước đối với những khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn theo quy định, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sau đầu tư.

Bên cạnh đó, đông đảo cử tri và người dân mong muốn, ngành chức năng có giải pháp khắc phục đối với các trường hợp kiểm tra có kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt không đạt chất lượng; thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước tại các trạm y tế, trường học, trạm cấp nước tập trung nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Theo dõi chặt tình hình thời tiết trên địa bàn huyện để vận hành hợp lý công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp.​

 

TRÂM NGUYỄN