Thường trực HĐND thành phố Hà Nội giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân

Rà soát, thay thế chủ đầu tư không đủ năng lực

- Thứ Bảy, 07/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Tại phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn do Thường trực HĐND thành phố tổ chức sáng qua, ngày 6.9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cam kết thành phố sẽ rà soát các dự án nước sạch chậm triển khai. Nếu chủ đầu tư nào không bảo đảm năng lực nhất định phải thay thế để có thể sớm hoàn thành các mục tiêu về nước sạch như nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra.

Vướng trong giải phóng mặt bằng và năng lực nhà đầu tư

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đoàn Việt Cường (huyện Mê Linh) dẫn thực tế trên địa bàn thành phố hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước, tuy nhiên hiện có tới 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở, các đơn vị liên quan và nêu ra giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Quan tâm tới Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) do Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư, đại biểu Trần Việt Anh (quận Ba Đình) phản ánh: Mặc dù đã hoàn thành hạng mục nhà máy vào năm 2013 và UBND thành phố đã chỉ đạo phấn đấu đến năm 2019 cấp nước sạch cho các xã của huyện Mỹ Đức. Thế nhưng, sau gần 6 năm dự án vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động với một số hạng mục xuống cấp.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng việc chậm triển khai các dự án nước sạch hiện nay chủ yếu vướng trong khâu giải phóng mặt bằng và năng lực của nhà đầu tư. Hiện, thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Tuy nhiên, tại một số huyện như Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thạch Thất… việc triển khai Quy hoạch cấp nước gặp một số khó khăn do dân cư thưa thớt, địa hình khó.


Nhiều đại biểu chỉ rõ các dự án nước sạch hiện nay chủ yếu vướng trong khâu giải phóng mặt bằng và năng lực của nhà đầu tư
Ảnh: P.Long

Đối với Dự án cấp nước ở thị trấn Đại Nghĩa đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động, ông Lê Văn Dục cho biết dự án này đang vướng chủ yếu về khả năng, kinh nghiệm của nhà đầu tư. “Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đầu tư, còn công ty nước sạch Hà Đông - đơn vị hiện đang được giao vận hành - có kinh nghiệm nhưng lại không có vốn để thực hiện. Trong khi đó, nguồn nước ngầm ở sông Đáy hiện đang rất ô nhiễm nên đến thời điểm hiện tại, thành phố phải đưa nguồn nước từ nhà máy sông Đuống và Quan Sơn cung cấp nước cho trạm cấp nước Đại Nghĩa để sớm đi vào hoạt động” - ông Lê Văn Dục thông tin.

Cũng tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về việc thành phố đã thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư đối với các dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực hay chưa? Giải pháp đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án nước sạch tại huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ để người dân sớm được dùng nước sạch… Ngay sau phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, lãnh đạo một số quận huyện và các nhà đầu tư về nội dung trên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế khiến các dự án nước sạch trên địa bàn thành phố hiện đang trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”. “Nguyên nhân chủ quan do năng lực của nhà đầu tư còn yếu; một số địa phương chậm giao mặt bằng bởi vướng ở khâu giải phóng mặt bằng; cơ chế hỗ trợ đầu tư vẫn đang bị “trói” bởi một số thông tư, nghị định… Đề nghị UBND thành phố tìm các giải pháp, thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện đúng lộ trình nghị quyết của HĐND thành phố” - bà Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu.

Sẽ thay thế những chủ đầu tư không đủ năng lực

Làm rõ hơn các vấn đề đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nhìn nhận việc cung cấp nước sạch cho nhân dân Thủ đô còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng nước ở vùng nông thôn chưa được bảo đảm; tình trạng thiếu nước trong mùa khô; nhiều dự án cấp nước có dấu hiệu sai phạm… Để khắc phục những bất cập nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố cho biết Hà Nội đã báo cáo các bộ và Thủ tướng cho phép đưa chức năng quản lý toàn bộ nước sạch của Hà Nội về một đầu mối là Sở Xây dựng; đề xuất Chính phủ cho phép nhà nước không bắt buộc phải giữ 51% vốn tại các công ty nước sạch, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, thành phố đã thay đổi cách kêu gọi đầu tư; đề nghị triển khai thêm các nhà máy nước ở các tỉnh lân cận, đầu tư đường ống để cung cấp ngược lại cho thành phố nếu còn thừa công suất... “Đặc biệt, thành phố đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân. Điển hình như trạm lọc nước ở Hà Đông, chỉ mất 6 tháng người dân đã được dùng nước sạch, trong khi nếu thực hiện theo phương án cũ thì chỉ riêng việc kéo đường ống đã mất rất nhiều thời gian và tốn kém về kinh phí” - ông Nguyễn Đức Chung dẫn chứng.

Ngoài ra, trong 3 năm qua, UBND thành phố đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc, khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng đối với các dự án nước sạch; đồng ý cho các nhà đầu tư vừa thiết kế vừa thi công đường ống; kết nối với các ngân hàng đồng hành doanh nghiệp về vốn; có cơ chế chính sách thông qua Quỹ đầu tư để làm “vốn mồi” cho nhà đầu tư… “Ngay sau phiên giải trình này, UBND thành phố sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch, đơn vị nào đủ năng lực thì sẽ tiếp tục thực hiện, nếu không phải nhất định thay thế” - Chủ tịch UBND thành phố cam kết. 

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định phiên giải trình đã hoàn thành đúng như chương trình đề ra, các câu hỏi đều bám sát, đi thẳng vào chủ đề. Đặc biệt, việc trả lời của lãnh đạo sở, ngành, UBND các quận, huyện và sự tham gia trả lời của Chủ tịch UBND thành phố thể hiện tinh thần thẳng thắn, nhìn nhận rõ trách nhiệm trong công tác quản lý. “Để đạt được mục tiêu Nghị quyết HĐND thành phố đặt ra, trong đó phấn đấu 35% người dân còn lại của Thủ đô được sử dụng nước sạch, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, đòi hỏi quyết tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân. Thời gian tới, HĐND thành phố sẽ tăng cường giám sát tại 4 huyện có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp, yêu cầu các địa phương này tăng cường tuyên truyền cho người dân, đề xuất giải pháp hỗ trợ hiệu quả” - Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.

PHI LONG