
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt (1946) nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Lập luận và trí thức uyên thâm của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ...
GS Nguyễn Mạnh Tường đã tham gia giảng dạy tại Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) cùng với các đồng nghiệp là những trí thức tài danh thời bấy giờ như Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Ngụy Như Kontum...

Năm 1989, ở tuổi 80, GS. Nguyễn Mạnh Tường sang thăm lại nước Pháp theo lời mời của một số người thân. Nhân dịp đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Paris VII đến gặp vị Lưỡng khoa Tiến sĩ người Việt Nam và nói: “60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp, một sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư Việt Nam kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22. Ban Giám hiệu chúng tôi xin dành trọn một ngày để kính mời giáo sư giới thiệu phương pháp và kinh nghiệm học tập cho toàn trường...”.
Theo tác giả Kiều Mai Sơn, tròn 90 năm đã trôi qua (1932 - 2022), kỷ lục mà GS. Nguyễn Mạnh Tường xác lập vẫn được giữ nguyên. “Đó là một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam! Nguyễn Mạnh Tường còn là nhà trí thức đã để lại nhiều huyền thoại. Chính vì những huyền thoại này mà phần nào chúng ta chỉ nghe nói chứ chưa có điều kiện để biết nhiều về sự đăng quang của Nguyễn Mạnh Tường”.