Đến dự buổi lễ có Quyền giám đốc Thư viện Quốc gia Nguyễn Xuân Dũng; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa; Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái; Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái và gần 30 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, nhạc sĩ, đạo diễn phim và đại diện gia đình nhà văn Lê Lựu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa cho biết, nhà văn Lê Lựu là một tác giả quan trọng của nền văn học cách mạng nhất là sau Đổi mới 1986. Cả cuộc đời ông đã để lại nhiều tác phẩm văn chương rất có giá trị như: Người cầm súng; Phía mặt trời; Trong làng nhỏ; Người về đồng cói; Chuyện làng Cuội. Đặc biệt, nhiều tác phẩm của nhà văn Lê Lựu đã được các đạo diễn chuyển thể sang kịch bản phim như "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông"... được khán giả rất yêu thích.
Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" do Viện Nhân học Văn hóa xuất bản, với gần 350 trang sách, gồm gần 50 bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo viết về sự nghiệp văn chương, cuộc đời và số phận nhằm tưởng nhớ và tri ân cuộc đời, văn nghiệp của nhà văn Lê Lựu.
Tại buổi ra mắt, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết dành tặng cho cố nhà văn Lê Lựu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột. Ông sống và nghĩ như thế nào thì viết ra như thế. Bởi thế mà văn chương của ông khác biệt.
GS.TS Trần Đăng Suyền nhận xét, Lê Lựu là nhà tiểu thuyết tài năng. Tiểu thuyết của ông có vị trí quan trọng trong văn học thời kỳ Đổi mới. Đó là những cuốn tiểu thuyết đã đi sâu vào phương diện thế sự, đời tư, phát hiện ra nhiều cái hài hước và nhiều bi kịch liên quan đến vấn đề nhức nhối của đời sống cộng đồng cũng như cá nhân. “Trong cảm nhận của tôi, có lẽ Lê Lựu là một trong vài ba nhà văn lớn bậc nhất của thời kỳ Đổi mới ở nước ta, cùng với Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp”, nhà văn Thiên Sơn chia sẻ.
Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn, nhà văn Lê Lựu có cuộc đời nổi chìm, cơ cực, cương cường cũng như văn chương của ông. Sự rèn luyện về văn chất và bản chất con người của Lê Lựu luôn không ngừng nghỉ. Kể cả khi ông mất đi, những dòng chữ mà ông chuẩn bị từ trước đều là trình bày một sự thật, rất khốc liệt, rất cay đắng nhưng vấn đề đó là sự thật. Văn chương cũng như số phận của nhà văn Lê Lựu có nhiều khúc quanh bước ngoặt mà cuốn sách này đã chạm đến, đã chia sẻ và đồng hành, đớn đau và kiêu hãnh về ông, cho ông, một nhà văn của nhân dân và Tổ quốc.
Ngoài ra, các nhà văn, nhà thơ cũng mong muốn với trí tuệ, tài năng và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sáng tác của nhà văn Lê Lựu xứng đáng được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.
Nhân dịp lễ ra mắt, Ban Tổ chức đã trao tặng 100 cuốn sách “Nhà văn Lê Lựu văn chương và số phận” cho Thư viện Quốc gia.