Ra mắt sách “Lãnh thổ Việt Nam - Lịch sử và pháp lý”

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 16:34 - Chia sẻ
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa phát hành cuốn sách "Lãnh thổ Việt Nam - Lịch sử và pháp lý" của TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Sách dày 348 trang với mong muốn “góp phần truyền đạt thêm nhiều thông tin và bài học bổ ích cho đông đảo công chúng quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia cũng như các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay”.
TS. Trần Công Trục ký tặng độc giả
Ảnh: NVCC

TS. Trần Công Trục chia sẻ, già nửa cuộc đời, ông làm các công việc liên quan đến lãnh thổ, biên giới, biển, đảo. Ông đã để lại những dấu ấn trong các lĩnh vực này qua việc biên soạn các đầu sách về biên giới - lãnh thổ và luật biển như: “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” (2012); “Kỷ yếu Hoàng Sa” (2013); “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” (2014); “Hỏi - đáp về Luật Biển Việt Nam và Luật Biển quốc tế” (2014)... 

“Biển, đảo quê hương luôn gắn bó với máu thịt của tôi. Tiếng sóng biển gầm thét dữ dội đã trở thành khúc ca bi hùng, ngân mãi trong tim tôi. Đó còn là lời hiệu triệu thiêng liêng của núi sông bờ cõi mà tôi khắc cốt ghi lòng để sống và hành động xứng đáng là con dân đất Việt”, TS. Trần Công Trục tâm sự.

Nhiều nhà phê bình từng nhận xét, sách của TS. Trần Công Trục giúp bạn đọc hiểu một cách hệ thống và cơ bản các vấn đề pháp lý cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước kiên trì giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp nhằm phục vụ mục tiêu góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

"Lãnh thổ Việt Nam - Lịch sử và pháp lý" gồm 3 chương: Lãnh thổ Việt Nam trên đất liền; Lãnh thổ Việt Nam trên biển; Bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, đi từ những khái niệm hết sức căn bản cũng như nguyên tắc xác định biên giới quốc gia.

Bìa sách "Lãnh thổ Việt Nam - Lịch sử và pháp lý" 

Trong cuốn sách, tác giả trình bày một cách hệ thống, khái quát và khoa học các hệ quy chiếu pháp lý khác nhau để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biên giới, lãnh thổ, phân định biển, áp dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS).

Qua lăng kính pháp lý quốc tế, tác giả đã soi rọi vào các vấn đề tranh chấp, bất đồng cụ thể trên Biển Đông, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện và khoa học để nắm bắt mấu chốt vấn đề, giúp cho các cơ quan nghiên cứu, tham mưu trong xử trí tình huống cụ thể, tranh chấp phức tạp nảy sinh trên Biển Đông.

TS. Trần Công Trục cho rằng, điều đáng sợ nhất trong các cuộc tranh chấp chính là sự thiếu hiểu biết về bản chất các tranh chấp, nhận thức về các hệ quy chiếu pháp lý dẫn đến những đánh giá. thậm chí là quyết định sai lầm. “Bởi thế cho nên, muốn bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và đánh giá đúng đắn. Tôi không ngần ngại chia sẻ những kiến thức và hiểu biết của mình đến mọi tầng lớp công chúng quan tâm”.

H.Sen