
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 6 được sắp xếp từ NHNN chi nhánh 5 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Thái Bình. Trụ sở đặt tại TP. Hải Phòng và 4 điểm vệ tinh hoạt động tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình.
Đây là 1 trong 15 NHNN Khu vực được NHNN tổ chức lại từ 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố theo chủ trương tinh gọn bộ máy của Trung ương nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động.
Từ ngày 1.3.2025, NHNN Khu vực 6 chính thức vận hành theo mô hình mới theo Nghị định 26/2025/NĐ-CP ngày 26.2.2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hải Phòng giữ chức vụ Quyền Giám đốc NHNN Khu vực 6. Các Phó Giám đốc NHNN Khu vực 6 bao gồm: ông Nguyễn Đức Hiển, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, ông Nguyễn Đức Thiệp, ông Nguyễn Minh Chiến, ông Mai Việt Trung.
Cơ cấu tổ chức của NHNN Khu vực 6 gồm: ban lãnh đạo chi nhánh và 7 phòng chức năng nghiệp vụ. Tổng số cán bộ công chức đến thời điểm 1.3.2025 là 236 người, trong đó 130 người làm việc tại Trụ sở Khu vực và 106 cán bộ làm việc tại các địa điểm vệ tinh.
Quyền Giám đốc NHNN Khu vực 6 Nguyễn Thị Dung cho biết, đến nay, các hoạt động nghiệp vụ của NHNN chi nhánh Khu vực 6 đã được triển khai thông suốt. Việc kết nối giữa trụ sở chính của chi nhánh tại TP. Hải Phòng với các “vệ tinh” tại 4 tỉnh còn lại đều diễn ra thuận lợi, liên tục không bị gián đoạn.
Hoạt động cung ứng tiền mặt, xử lý các giao dịch nghiệp vụ trên nền tảng số và quản lý thanh tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều diễn ra suôn sẻ, không phát sinh vướng mắc so với thời điểm trước khi NHNN chi nhánh Khu vực 6 được thành lập.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đề nghị NHNN Khu vực 6 thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cấp tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Đồng thời, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng Hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục để giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm. Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế xã hội; các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương theo định hướng tại Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị (như du lịch; công nghiệp, dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao…).
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán...

Trên địa bàn quản lý của NHNN Khu vực 6 hiện có trụ sở 256 pháp nhân tổ chức tín dụng. Trong đó có 1 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại – Trụ sở tại tỉnh Hải Dương); 1 Văn phòng đại diện Ngân hàng nước ngoài; 5 Chương trình Dự án tài chính vi mô và 249 Quỹ tín dụng nhân dân).
Cùng với đó là 210 Chi nhánh tổ chức tín dụng cấp 1, gồm: 57 Chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước; 129 Chi nhánh ngân hàng thương mại Cổ phần; 3 Chi nhánh Ngân hàng Liên doanh; 4 Chi nhánh Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 2 Chi nhánh Ngân hàng Phát triển; 5 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; 2 Chi nhánh Công ty Cho thuê tài chính; 4 Chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô và 4 Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã.
Ngoài ra có 868 Phòng giao dịch và chi nhánh cấp 2 của Ngân hàng Nông nghiệp; Trên địa bàn có 1.734 ATM, 16.740 máy POS.
Tín dụng của các tỉnh trong Khu vực 6 năm 2024 cao hơn mức chung của cả nước. Một số tỉnh có mức tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm cao nhất toàn quốc như Hải Phòng 24,67%, Hưng Yên 18,24%.
Đầu năm 2025, tín dụng tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2024, cụ thể tín dụng đến cuối tháng 2 ước tăng 1,02%, cao hơn tín dụng chung toàn quốc ước tăng 0,8%); huy động vốn đạt trên 1 triệu tỷ đồng, cung ứng đủ tín dụng cho khu vực, bên cạnh đó thanh khoản hệ thống bảo đảm, lãi suất có xu hướng giảm.