Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội

Ra mắt bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông

- Thứ Sáu, 25/05/2018, 20:50 - Chia sẻ
Ngày 25.5, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao trong lĩnh vực này cũng như góp phần phát triển hạ tầng giao thông của đất nước. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã được bổ nhiệm là Chủ nhiệm bộ môn.

Các môn học mang tính thời sự

Theo Quyết định thành lập, Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có chức năng đào tạo các bậc đại học, sau đại học, ngắn hạn và chứng chỉ trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật xây dựng, giao thông. Bộ môn thực hiện nhiệm vụ đào tạo kỹ sư cơ học kỹ thuật chuyên ngành vật liệu và kết cấu tiên tiến, thạc sĩ và tiến sĩ cơ học kỹ thuật. Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông Nguyễn Đình Đức cho biết, chương trình đào tạo có nền tảng kiến thức khoa học cơ bản vững chắc, đồng thời cập nhật kiến thức hiện đại. Các môn học mang tính thời sự như: Công nghệ mới trong xây dựng - giao thông; Thiết kế, thi công các công trình đặc biệt, Thiết kế hệ thống, Phát triển bền vững; Năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng; Quản lý và phát triển dự án; công trình xanh; Thích ứng với biến đổi khí hậu, phong thủy...

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông 
Ảnh: Tuyết Nga 

Không chỉ gắn với nghiên cứu, chương trình đào tạo chú trọng đến các đồ án và các kỳ thực tập. Theo đó, có 2 Đồ án bắt buộc (một đồ án sau khi kết thúc các môn cơ sở của ngành, đồ án 2 sau khi sinh viên đi vào các chuyên ngành), với 3 đợt thực tập: Thực tập tìm hiểu về nghề nghiệp, Thực tập kỹ thuật và Thực tập tốt nghiệp, cung cấp cho sinh viên kỹ năng học đi đôi với hành, và tạo cơ hội cho sinh viên có điều kiện thực tập ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cũng như trao đổi với sinh viên với các trường đại học quốc tế trong quá trình học tập.

Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Nguyễn Việt Hà cho biết, Bộ môn sẽ phát huy thế mạnh liên ngành để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao
Ảnh: Tuyết Nga 

Để chuẩn bị cho việc thành lập Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông, Trường ĐH Công nghệ đã chuẩn bị từ ba năm trước với bước khởi đầu là thành lập Phòng thí nghiệm Vật liệu và kết cấu tiên tiến, triển khai nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu mới và ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng - giao thông. Trên cơ sở đó, năm 2017, trường thí điểm mở ngành đào tạo kỹ sư công nghệ kỹ thuật xây dựng và đến nay ra mắt Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông. Năm 2018, ngành này đã có trong danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được tách thành 2 ngành với mã ngành riêng biệt: Công nghệ kỹ thuật xây dựng và Công nghệ kỹ thuật giao thông. “Ngoài đào tạo chuyên sâu về hạ tầng giao thông, Bộ môn sẽ phát huy thế mạnh liên ngành (như tự động hóa, điện tử viễn thông…) để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam hiện nay” - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.

Hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG Hà Nội

Với việc ra đời của Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông, ĐHQG Hà Nội, tiền thân là Đại học Đông Dương (thành lập năm 1906), đã hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của mình sau 112 năm thành lập và phát triển (ĐH Đông Dương khi mới thành lập có 5 lĩnh vực là  Luật và Hành chính, Khoa học, Y khoa, Xây dựng, Văn học) và không chỉ đào tạo và nghiên cứu cơ bản, mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.

Theo Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, việc ra mắt bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông là hướng nghiên cứu mới, rất quan trọng với Việt Nam hiện nay, và vì thế, yêu cầu cho bộ môn này cũng rất cao
Ảnh: Ngọc Tùng

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, 14 năm qua, Trường ĐH Công nghệ đã dần lấp khoảng trống, hoàn thiện những lĩnh vực đào tạo còn thiếu của ĐHQG Hà Nội. Việc ra mắt bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông là hướng nghiên cứu mới, rất quan trọng với Việt Nam hiện nay, và vì thế, yêu cầu cho bộ môn này cũng rất cao. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, điểm tạo ra khác biệt của bộ môn này chính là dựa trên những thế mạnh vốn có của ĐHQG Hà Nội và việc kết nối giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học hàng đầu thế giới. “Hy vọng sau buổi ra mắt, Bộ môn sẽ sớm xây dựng chương trình đào tạo đủ hấp dẫn để thu hút sinh viên, chuẩn bị điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo”.

Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ký kết hợp tác
Ảnh: Tuyết Nga 

Cũng tại lễ ra mắt, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội tổ chức ký kết hợp tác với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác phát triển chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình, đào tạo đội ngũ giảng viên; giao lưu trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo của mỗi bên; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối, khai thác các cơ hội phát triển quan hệ quốc tế trong học thuật với hệ thống các trường đại học tiên tiến trong khối ASEAN và thế giới.

Anh Minh