Ra mắt 2 tiểu thuyết về Thăng Long - Hà Nội

- Thứ Ba, 05/10/2021, 22:56 - Chia sẻ
Bộ đôi tiểu thuyết lịch sử "Người Thăng Long" và "Khúc khải hoàn dang dở" của nhà văn Hà Ân về thời đại nhà Trần được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến độc giả vào dịp kỷ niệm 1011 năm Thăng Long - Hà Nội.

Là một người con của Hà Nội, nhà văn Hà Ân đã dành tâm huyết để viết về những vị anh hùng của đất Thăng Long văn hiến, trong đó được đánh giá thành công nhất là hai tiểu thuyết Người Thăng Long Khúc khải hoàn dang dở.

Người Thăng Long được nhà văn Hà Ân viết năm 1980, là bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Qua ngòi bút của nhà văn Hà Ân, Trần Nhật Duật là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lự trong chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn chiến thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời. 

Sau Người Thăng Long, nhà văn Hà Ân định viết tập tiếp theo với nhân vật chính là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng trẻ văn võ song toàn. Ông bị mê hoặc bởi con người triết gia, ngạo đời của Trần Quốc Tảng và với những lời ca hào sảng hết mực: Trời đất xa trông chừ sao ta thấy mênh mông/ Ngoài vòng cương tỏa chừ ta chống gậy chơi rong (Phóng cuồng ca). Tiểu thuyết này đáng lẽ ra mắt độc giả năm 1986, nhưng khi tác phẩm Phóng cuồng ca được công bố lại, không phải do Trần Quốc Tảng viết, nhà văn Hà Ân đã thất vọng và đốt đi hàng trăm trang bản thảo.

Tưởng rằng tác phẩm không thể hoàn thành. Nhưng rồi ông bắt “gặp” Đỗ Vĩ, cũng là một người con của đất Thăng Long, một tình báo tài giỏi của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt… Cái chết bi tráng của ông đã góp phần đem lại khúc ca khải hoàn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Và thế là tiểu thuyết Khúc khải hoàn dang dở ra đời, sau 20 năm thai nghén, viết, đốt rồi viết lại.

Hà Linh Ngọc