Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Bài và ảnh: H.Sen 20/07/2018 15:42

Sáng 20.7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” nhằm giúp công chúng hiểu hơn về sự tàn khốc của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc, cùng với câu chuyện xúc động về những người con trung hiếu đã hiến dâng trọn cuộc đời cho tự do, độc lập của đất nước.

Kiên tâm, bền chí

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định, để có được hòa bình hôm nay, những người con ưu tú của đất nước, trong đó có rất nhiều thanh niên tuổi vừa mười chín, đôi mươi đã sẵn sàng lên đường chiến đấu, nguyện một lòng xả thân để Tổ quốc được trường tồn.

Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề
Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề

Thực hiện khát vọng hòa bình cho dân tộc, những chiến sĩ kiên trung đã bị kiềm tỏa trong vòng vây quân thù, không may sa vào nơi ngục tù nhưng vẫn giữ trọn tấm lòng thành. Cận kề cái chết, họ vẫn kiên tâm, bền chí, bảo vệ lý tưởng cách mạng. “Nhiều tấm gương anh dũng nơi ngục tù như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai… đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Những địa ngục trần gian như Hỏa Lò, Côn Đảo, Khám Lớn Sài Gòn… cũng chính là nơi các chiến sĩ yêu nước đã để lại một phần thân thể, là nơi những tấm gương tuổi trẻ đã hy sinh thân mình để giữ vẹn lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” - ông Trương Minh Tiến nói.

Một góc trưng bày “Lời tri ân”
Một góc trưng bày “Lời tri ân”

Có mặt tại lễ khai mạc, ông Thomas Eugene Wilber, con trai cựu phi công Mỹ Walter Eugene Wilber từng được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt tại nhà tù Hỏa Lò nhấn mạnh, qua hơn 20 lần đến Việt Nam, ông rất cảm kích và ngưỡng mộ những con người trên mảnh đất này. “Tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng trước những người tù có mặt ngày hôm nay, những người đã từng bị giam cầm, những người đã để lại máu xương hay một phần thân thể mình cho đất mẹ, vì nền độc lập, tự do của Việt Nam”.

Ông Thomas Eugene Wilber cho biết thêm, với ông, Hỏa Lò cũng là ngôi nhà của cha ông từ năm 1968 - 1973. Đó là nơi cha của ông từng được hưởng sự nhân đạo của người Việt Nam. Cũng từ đây, cha ông đã thay đổi cách nhìn của người dân Mỹ đối với những chiến sĩ Việt Nam, góp phần thúc đẩy Chính phủ Mỹ kết thúc chiến tranh.

Chuyện nơi ngục tù

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt bao thế hệ. Với 250 hiện vật, trưng bày được chia thành 2 nội dung chính, trong đó “Trọn một lời thề” là những câu chuyện trên một trận tuyến đặc biệt - ngục tù của thực dân, đế quốc. Tại không gian trưng bày này, lần đầu tiên khách tham quan được biết, được hiểu về hệ thống nhà tù dày đặc dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đó là những hình ảnh về “Hỏa Lò” - địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi cuộc sống của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Từ gáo nước, khẩu phần ăn hằng ngày, việc phát thêm chiếu, chăn chống rét… đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt.

Thương binh Tống Trần Hội (sinh năm 1947), tiểu đoàn 27, Quân khu IV kể lại câu chuyện về cái chết kiên trung của liệt sĩ Đặng Thái Lập (Đặng Hồng Sơn) tại nhà lao Phú Quốc
Thương binh Tống Trần Hội (sinh năm 1947), tiểu đoàn 27, Quân khu IV kể lại câu chuyện về cái chết kiên trung của liệt sĩ Đặng Thái Lập (Đặng Hồng Sơn) tại nhà lao Phú Quốc
Thư của đồng chí Đặng Thái Lập gửi gia đình khi còn sống
Thư của đồng chí Đặng Thái Lập gửi gia đình khi còn sống

Những hình ảnh về “Sơn La” với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố cùng hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3m, “Khám Lớn Sài Gòn” được ví như vùng đất dữ với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân, hay “Côn Đảo” địa ngục trần gian cách xa đất liền, nơi những chiến sĩ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo… đã thể hiện góc nhìn chân thực về một “chiến trường đặc biệt” dù không có tiếng súng, nhưng đã cướp đi sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm đầu thế kỷ XX đến hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Những câu nói tâm huyết của các chiến sĩ cách mạng như: Đồng chí Hoàng Văn Thụ trước khi bị dẫn giải từ xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường đã tỏ rõ niềm tin vào thắng lợi của cách mạng; câu chuyện về tấm gương Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng trong xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn hay bút tích chống ly khai của đồng chí Lưu Chí Hiếu tại Chuồng Cọp, Côn Đảo… được thể hiện nổi bật trong trưng bày
Những câu nói tâm huyết của các chiến sĩ cách mạng như: Đồng chí Hoàng Văn Thụ trước khi bị dẫn giải từ xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường đã tỏ rõ niềm tin vào thắng lợi của cách mạng; câu chuyện về tấm gương Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng trong xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn hay bút tích chống ly khai của đồng chí Lưu Chí Hiếu tại Chuồng Cọp, Côn Đảo… được thể hiện nổi bật trong trưng bày

Nhớ người nằm xuống

Phần nội dung trưng bày “Lời tri ân” thể hiện niềm biết ơn vô hạn của các thế hệ trước hy sinh của các chiến sĩ cho hòa bình, độc lập hôm nay. Đã hơn 40 năm nhưng nỗi đau còn âm ỉ trong lòng người ở lại. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, bổ sung hồ sơ liệt sĩ là ước vọng không chỉ riêng các gia đình, thân nhân liệt sĩ mà của toàn xã hội, đặc biệt của các cựu chiến binh. Ông Lê Văn Cam đã dành 20 năm đi tìm hài cốt của đồng đội, hay ông Trần Ngọc Doanh với hàng trăm chuyến hành trình ngược xuôi tìm những người đã khuất… là một phần trong nội dung trưng bày này.

Khách tham quan xúc động trước những hình ảnh gắn với các câu chuyện tại trưng bày
Khách tham quan xúc động trước những hình ảnh gắn với các câu chuyện tại trưng bày

Người xem như lắng lại trước hình ảnh bạt ngàn ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ… Đền, đài, bia tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ trở thành những địa danh văn hóa - lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ; nơi các thế hệ tìm đến, kính cẩn nghiêng mình, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO