Chuyển đổi số Nam Định

Quyết tâm vượt bậc, nỗ lực bứt phá

- Thứ Hai, 10/01/2022, 06:09 - Chia sẻ
Mặc dù gặp khó khăn cả về kinh phí và nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhưng công tác chuyển đổi số của tỉnh Nam Định vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ; thể hiện nỗ lực, quyết tâm vượt bậc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân trong tỉnh.

Đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vũ Trọng Quế, năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và xếp hạng Nam Định đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố về công tác chuyển đổi số. Kết quả này được đánh giá khách quan trên các chỉ tiêu thành phần ở cả 3 trụ cột căn bản của chuyển đổi số, đó là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Trong đó, các chỉ số cơ bản như mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index); hiện đại hóa nền hành chính và độ mở của Cổng thông tin điện tử của tỉnh lần lượt xếp hạng theo thứ tự là 11, 14 và 11 trên 63 tỉnh, thành phố. Kết quả của quá trình chuyển đổi số đã bước đầu hình thành được kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư, hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin trọng yếu triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Trong đó, hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp được hoàn thiện với việc 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, 226 xã, phường, thị trấn phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại.

Đặc biệt, tỉnh đã chính thức triển khai dịch vụ nhắn tin tự động, thông báo tình hình giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, người dân sẽ nhận được 3 tin nhắn thông báo về tiến độ tiếp nhận, quá trình giải quyết và thời điểm nhận kết quả từ Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đến điện thoại di động của người dân, doanh nghiệp mà không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước. Đây là bước chuyển đổi mạnh mẽ nâng cao được chất lượng, tính minh bạch trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số.

Nhằm tiếp tục đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, phấn đấu tỉnh luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước về thực hiện trụ cột chuyển đổi số chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết toàn khóa về chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với trọng tâm xác định lấy người dân làm trung tâm, chuyển đổi nhận thức cho người dân hiểu rõ vai trò về chuyển đổi số, từ đó, quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, chủ động thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở nguồn lực sẵn có của địa phương trong suốt quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, sâu rộng đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, ưu tiên đối với những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân. 

Nhân rộng mô hình then chốt

Năm 2022, tỉnh sẽ xây dựng những hình mẫu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, chính quyền số tập trung vào cung cấp dịch vụ công số; kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, logistics và môi trường; xã hội số tập trung vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển cộng đồng số. Căn cứ trên kết quả thực hiện, giai đoạn 2 năm tiếp theo sẽ nhân rộng mô hình trong các lĩnh vực then chốt và đến năm 2025 nhân rộng ra toàn xã hội.

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên ở cấp huyện và 60% trở lên ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình; 100% xã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tỉnh…

Đến năm 2030, phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; phổ cập dịch vụ internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...

Hiện nay, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, tỉnh chú trọng ban hành cơ chế chính sách, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; đào tạo phát triển nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Theo đánh giá, sự quyết tâm cao, định hướng phát triển đúng; sự nỗ lực triển khai của ngành chức năng, các địa phương sẽ giúp lộ trình chuyển đổi số của tỉnh đạt kết quả cao vào những năm tiếp theo, tạo niềm tin và thu hút người dân chủ động tham gia, hưởng ứng chuyển đổi số với chính quyền, góp phần tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phương Thanh