Nhiều dấu ấn đặc biệt

- Thứ Hai, 11/01/2021, 16:55 - Chia sẻ
Tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 11.1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, năm 2020 trong bối cảnh chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân; đặc biệt là đại dịch Covid-19 nhưng toàn ngành đã cùng cả nước vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, có dấu ấn đặc biệt, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.

"Phát triển kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội"

Trong 5 năm qua, với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả”, ngành lao động, thương binh và xã hội đã nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, qua đó trên các lĩnh vực của Ngành đều chuyển biến tích cực. Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.

Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo, 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.

Toàn cảnh Hội Nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Trong 5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động, hơn 635 nghìn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt tới 27% chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến 31.12.2020, có khoảng 79 nghìn người đi lao động ở nước ngoài). Chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

“Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả 5 năm 2016 - 2020 cho thấy niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%. Về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc. Có thể nói, đây là kết quả thể hiện sự quan tâm và kết quả nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai các chính sách an sinh xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm động lực cho phát triển” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đặt nhiều mục tiêu quan trọng

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Kế hoạch 5 năm 2021 - 2026 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội,… đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện cùng với những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đòi hỏi ngành Lao động phải nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển", giai đoạn 2021 - 2025 ngành Lao động sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động theo định hướng thích ứng trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Bộ đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin về giáo dục - đào tạo, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động; từng bước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030; thực hiện phân tầng cơ sở GDNN và phân tầng chất lượng đào tạo; chú trọng đầu tư các trường chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo; phát triển một số trường chất lượng cao tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, thời gian tới, ngành lao động cần tiếp tục kết nối làm đơn vị đầu mối để tổng hợp tham mưu cho chính phủ những chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách công nhận hồ sơ cho người có công. Trong bối cảnh dịch Covid - 19 còn diễn biến phức tạp, chúng ta phải tiếp tục vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Thực hiện các mục tiêu kép để vừa phát triển kinh tế, đồng thời cố gắng chăm lo đến đời sống người lao động, đặc biệt đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 thông qua các gói hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2020

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, Bộ ngành cần phối hợp tốt với các tổ chức hội, các tổ chức chính trị xã hội để làm sao các đối tượng yếu thế trên mọi miền đất nước được thụ hưởng chính sách; cần rà soát lại chế độ, chính sách để không bỏ sót đối tượng, không để người có công phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó.

“Muốn phát triển tốt thì phải có mạng lưới an sinh tốt, đó là phải có hệ thống bảo hiểm xã hội tốt, cần vận động tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen mua bảo hiểm xã hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó Phó Thủ tướng mong muốn các ngành cần quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp đuổi kịp giáo dục đại học; số lượng đội ngũ lao động được đào tạo nghề nâng lên, chất lượng tay nghề lao động đạt yêu cầu quốc tế.

Tùng Dương