Phòng, chống dịch Covid-19

Quyết tâm cao hơn nữa

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:44 - Chia sẻ
Tại Hội nghị Y tế toàn quốc do Bộ Y tế vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh, công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc, nhất là với sự biến đổi của SARS-CoV-2 thời gian gần đây đòi hỏi ngành y tế và các lực lượng có liên quan phải quyết tâm cao hơn nữa; các tỉnh, thành phố phải tổ chức đợt cao điểm phòng, chống dịch và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, lâu dài.

Điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19

Năm 2020, trong bối cảnh chung cả thế giới phải chịu nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự nỗ lực của mình, ngành y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, Việt Nam là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng nêu rõ, ngành y tế đã chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác như dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tiếp tục kiểm soát HIV/AIDS, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí, gồm số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam cũng là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Năm 2020, ngành y tế đã đạt 2 chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là 28 giường bệnh/vạn dân và 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT. Cùng với đó, nhiều thành tựu y tế vẫn được giữ vững như duy trì 14 năm liên tiếp đạt mức sinh thay thế; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tuổi thọ trung bình đạt 73,7 tuổi, tăng 0,1 tuổi so với năm 2019.

“Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện. Năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt; hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, góp phần điều trị hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh. Năm 2020, cũng là năm cải cách hành chính mạnh mẽ, Bộ Y tế xếp thứ 4 trong số các bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, là một trong hai Bộ đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Đề án khám chữa bệnh từ xa được ban hành, kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên cả nước; 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân được hoàn thiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã. Đồng thời, quyết tâm thực hiện công khai minh bạch với hơn 60 nghìn dược phẩm, 17 nghìn trang thiết bị, vật tư y tế, gần 100 nghìn kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ trên Cổng Công khai y tế.

Nghiêm túc thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe phòng, chống dịch bệnh Covid-19  

Nguồn: ITN

Xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 là năm dài đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân.

Đến nay, Việt Nam cơ bản đã ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam cũng là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene SARS-CoV-2, là 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, sản xuất thành công máy thở đáp ứng nhu cầu điều trị phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam cũng là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người.

Tuy nhiên, ngành y tế vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập như tình trạng quá tải ở một số bệnh viện Trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn sự chênh lệch khá lớn giữa các tuyến và giữa các vùng, miền. Công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc, dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát; nhất là sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 trong thời gian gần đây.

Năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, đặc biệt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế về phòng, chống Covid-19; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn. Các tỉnh, thành phố phải tổ chức đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, lâu dài.

Đồng thời, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới...

Lê Hoa