ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang): Thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội
Kỳ họp thứ Tám là Kỳ họp cuối năm với khối lượng công việc rất lớn. Dự kiến chương trình Kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý; tiếp tục tổ chức thành 2 đợt và dành thời gian nghỉ một tuần giữa 2 đợt để tạo điều kiện cho các cơ quan tiếp thu, giải trình hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung trước khi Quốc hội thông qua.
Công tác lập pháp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp. Tôi nhận thấy, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và các báo cáo thẩm tra, cũng như đôn đốc các cơ quan sớm hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, nghị quyết bảo đảm đáp ứng các điều kiện và chất lượng trước khi trình ra Quốc hội.
Kỳ họp thứ Tám so với các kỳ họp trước có số lượng dự án luật nhiều hơn nên có thể thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra làm việc rất tích cực trong góp ý, tiếp thu, chỉnh lý, thẩm tra các dự án luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc Chính phủ, các Bộ, ngành khẩn trương gửi báo cáo, hồ sơ, tài liệu để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, góp ý vào dự thảo các dự án luật và nghị quyết.
Đáng lưu ý, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám. Việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đưa hoạt động này ngày càng đi vào thực chất hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Việc sửa luật cần giải quyết đồng bộ về mặt cơ sở chính trị, cơ sở pháp luật, cơ sở thực tiễn, cơ chế kiểm soát quyền lực và vấn đề thực hiện trong thực tế; lấy kết quả giám sát là cơ sở, kênh thông tin quan trọng phục vụ xây dựng luật, ngược lại xây dựng luật phải đạt yêu cầu bám sát thực tế để hiệu quả, tránh hình thức.
Cá nhân tôi và các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của mình trong từng nội dung cụ thể; đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm; đánh giá, dự báo về phát triển kinh tế của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, đưa ra những quyết sách đúng đắn, có ý nghĩa như đòn bẩy, động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Bảo đảm khả thi, không làm phát sinh vướng mắc mới
Có thể thấy, khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám là nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, đòi hỏi chúng ta phải bám sát quan điểm của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII vừa qua: chỉ bàn làm không bàn lùi, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, chúng ta phải làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, tăng tốc hơn, bứt phá hơn, quyết liệt hơn.
Trong các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám có nhiều dự án Luật được Chính phủ đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp để tháo gỡ ngay những vướng mắc trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, bảo hiểm y tế, điện lực, ngân sách nhà nước... Các dự án Luật này đều bám sát nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý nhiều hơn sang vừa quản lý vừa mở rộng không gian phát triển, đặc biệt là khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường giám sát, kiểm tra, xóa bỏ quan liêu, bao cấp, cơ chế xin - cho...
Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, tôi đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội đã luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị các nội dung nêu trên, qua đó góp phần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nền kinh tế, đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều dự án Luật được đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Tám là luật khó, có nhiều nội dung mang tính chuyên ngành sâu, phạm vi tác động rộng. Do đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ để những vấn đề đưa ra sửa đổi, bổ sung đều thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu để có được những ý kiến chất lượng nhất, góp phần hoàn chỉnh các dự án Luật, tạo khung khổ thể chế giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tôi cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều khoản trong các dự thảo Luật, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước hoặc gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương: chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Do tính chất của việc sửa đổi thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn nên cần phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này.
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh): Xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho công chứng điện tử
Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội Khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy và sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Dự thảo Luật bổ sung công chứng điện tử là cần thiết, nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực công chứng. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định những vấn đề rất cơ bản như khái niệm, giá trị pháp lý…; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề liên quan như điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, văn bản công chứng điện tử, quy trình thủ tục công chứng điện tử. Trong khi, đây là nội dung mới, khi lấy ý kiến nhiều văn phòng công chứng bày tỏ băn khoăn về việc triển khai trên thực tế quy định này, do vậy, cần cân nhắc hết sức thận trọng, xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho công chứng điện tử. Phải có hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn làm căn cứ cho công chứng viên xác thực trong quá trình công chứng điện tử như: dữ liệu về tài sản, nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn đối với tài sản…
Dữ liệu về công chứng là vấn đề lớn, phức tạp liên quan đến tài sản quốc gia, quyền về nhân thân, tài sản và các tài liệu liên quan đến bí mật đời tư, gia đình cần được bảo vệ. Vì vậy, đòi hỏi hạ tầng cơ sở thông tin, chi phí quản lý vận hành cao. Do đó, nên thực hiện thí điểm đối với một số giao dịch đơn giản như giấy ủy quyền, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, và có quy định rõ lộ trình thực hiện bảo đảm hoàn thiện các dữ liệu và các yếu tố liên quan.
Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn cấp huyện vùng sâu, vùng xa theo quy định của Chính phủ; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa; mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng... Đồng thời, lưu ý nếu quyết định lựa chọn theo phương án này, việc thiết kế các điều khoản có liên quan như Điều 21, 22, 29, 31, 32, 35 cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong dự thảo Luật.