Quyết liệt ngay từ đầu năm!

- Thứ Bảy, 06/02/2021, 08:17 - Chia sẻ
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đón nhận những tin vui trong tháng đầu tiên của năm 2021 sau thành tựu đầy ấn tượng của năm 2020.

Không còn là đồn đoán, Tập đoàn Foxconn thực sự đã đầu tư 270 triệu USD vào Việt Nam, với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được tỉnh Bắc Giang trao hôm 18.1. Động thái này dấy lên hy vọng rất có thể một ngày không xa, MacBook hay iPad sẽ được sản xuất ngay trên đất nước chúng ta.

Tập đoàn Luxshare, không chỉ đầu tư thêm một dự án 190 triệu USD chuyên sản xuất các loại tai nghe không dây (bluetooth), đồng hồ thông minh (smartwatch) và loa bluetooth ở Bắc Giang mà còn mở rộng đầu tư nhà máy ở Nghệ An. Trong khi đó, Tập đoàn Wistron đã đầu tư dự án 273 triệu USD ở Hà Nam; Tập đoàn Pegatron đầu tư 2 dự án 500 triệu USD ở Hải Phòng. Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã tới Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội đầu tư các hạng mục liên quan đến chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh ở tỉnh này.

Nhìn ở góc độ này, dường như đang có một làn sóng đầu tư tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ cao đổ vào Việt Nam. Trong báo cáo có tựa đề “Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng biến đổi tại châu Á”, vừa được công bố, Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng, Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.

Ở trong nước, một loạt dự án hạ tầng quan trọng được khởi công xây dựng, như giai đoạn 1 sân bay Long Thành, hay tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… Đây là chỉ báo cho thấy một năm suôn sẻ hơn cho kinh tế Việt Nam. Bởi đầu tư công chính là một trong những bánh xe quan trọng của “cỗ xe tam mã”, giúp kéo nền kinh tế đi lên. Đã từ rất lâu, Việt Nam mới khởi công xây dựng nhiều công trình trọng điểm như vậy.

Dù những tín hiệu đầu năm là tích cực, dù thành tựu của năm 2020 đặt nền tảng nhất định cho tăng trưởng năm nay song nhiều nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Covid-19, căng thẳng địa chính trị, thương mại trên toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia… đều ảnh hưởng trực tiếp tới đến kinh tế Việt Nam.

Đáng lo không kém là những thách thức đến từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế, như biến đổi khí hậu, thiên tai, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp chưa sớm được tháo gỡ… Nguy cơ tụt bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu, khi mục tiêu tăng trưởng trong năm tới vẫn chỉ là 6%. Với mức tăng trưởng đó, nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, chứ chưa thể nói là tăng tốc, hay bứt phá.

Đó cũng chính là lý do, khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào đầu năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Nói đi đôi với làm, Chính phủ đã ngay lập tức ban hành hai Nghị quyết quan trọng, là Nghị quyết 01 và 02 để làm “kim chỉ nam” cho mọi kế hoạch hành động, vừa để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp nối tinh thần này trong bối cảnh dịch Covid - 19 một lần nữa quay trở lại, các bộ, ngành, địa phương cần “xắn tay vào cuộc” quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện “mục tiêu kép” ngay từ đầu năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang tới rất gần.

Nguyễn Hà