Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Quyết liệt hơn, đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm

- Thứ Ba, 12/10/2021, 23:03 - Chia sẻ
“Phải có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm, để tổ chức thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả cao”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại phiên họp chiều nay, 12.10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

“Chiến dịch phục hồi kinh tế chủ động trong và sau dịch” phải rõ nét hơn

Thảo luận tại Phiên họp chiều nay, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế (Kế hoạch) giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều kết quả nổi bật như: cải thiện chất lượng tăng trưởng; gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo; đồng thời tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Nhất trí với đánh giá của Chính phủ về kết quả và những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá làm rõ hơn những nguyên nhân chủ quan và khách quan của các hạn chế; cập nhật đánh giá tác động của đại dịch đối với việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để có giải pháp đột phá cho giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, ông lưu ý, do tác động của đại dịch, 2 năm liên tiếp, tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, năm 2020 chỉ đạt 2,91%, 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%; tăng trưởng kinh tế sụt giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trưởng, số lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức rất cao. “Kết quả này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng toàn giai đoạn, do đó, việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình trong Kế hoạch cần phải logic, khả thi, bảo đảm tính bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, tất cả các quốc gia, kể cả các nước phát triển hiện nay đều không tránh khỏi suy giảm về kinh tế - xã hội. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, khác biệt giữa các quốc gia, tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch hay bị tụt hậu lại phía sau chính là sự chuẩn bị và lựa chọn chính sách tương ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Do vậy, “chiến dịch phục hồi kinh tế chủ động trong và sau dịch” phải được thể hiện mạnh mẽ, rõ nét trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025”. Cùng với đó, tác động của đại dịch có thể còn kéo dài, do đó cần điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng, theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững, hài hòa giữa văn hóa, an sinh xã hội và môi trường.

Chủ động thích ứng với những biến động khó lường

Nêu đề xuất cụ thể đối với Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Chính phủ cần ưu tiên tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trong từng giai đoạn gắn với việc bảo đảm nguồn lực; kịp thời thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá đúng, đủ, kịp thời và chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới; phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xác định giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng trong thực hiện thành công các Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế để bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.

Cùng với đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể về: đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đầu tư công; phát triển thị trường lao động... Các nội dung này trong Kế hoạch cần tiếp tục xác định rõ hơn nữa về chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Đồng thời, phải có giải pháp để tạo đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bởi dù đã được xác định là một trọng tâm từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng nhưng đến nay, quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước vẫn quá chậm.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào giải pháp xuyên suốt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Danh mục các chương trình thực hiện Kế hoạch cũng cần phải tiếp tục rà soát, tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý một nội dung chưa được nhắc tới trong các báo cáo, tờ trình là: Quý III năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I năm 2020 đến nay; làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn trong những tháng gần đây cũng sẽ tạo ra nhiều tác động đến quá trình tái cơ cấu kinh tế nước ta trong giai đoạn tới. Bức tranh thị trường lao động, việc làm, thu nhập quý III thể hiện nhiều đứt gãy, biến động. Do đó,  ông đề nghị Chính phủ cần có dự báo và chủ động ứng phó với thực trạng di dân ngoài sự tính toán của chúng ta, một phần bởi người lao động không thể đáp ứng được mức giá sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố và khó tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế thành thị, sự gián đoạn kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động…

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, phải có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm, để tổ chức thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả cao.

Hải Lam