Quyết định hành chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng
Các chuyên gia đã dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 sẽ tiếp tục đà tăng từ tháng liền trước. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra vấn đề là mức tăng này không phải chỉ do những nguyên nhân khách quan tạo ra, mà phần nhiều từ một số quyết định hành chính được ban hành trong thời gian qua.
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2% so với tháng 8.2012 và tăng 5,13% so với tháng 12.2011. Như vậy, CPI đã tăng 6,48% so với tháng cùng kỳ năm 2011 và bình quân 9 tháng năm 2012 tăng 9,96%. Xét trong các tháng gần đây, mức tăng của tháng này tương đương với các mức tăng của 5 tháng đầu năm 2011, tuy nhiên nguyên nhân khiến giá cả tăng cao thì khác nhau. Trong những tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu do các nguyên nhân khách quan như giá nhiên liệu, lương thực trên thị trường thế giới, sức mua tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, quán tính lạm phát từ năm 2010. Ngược lại, chỉ số CPI tăng cao trong tháng 9 này không phải từ quán tính lạm phát cao trong giai đoạn trước, thậm chí chỉ số này liên tục ở mức thấp từ quý II.2012 đến nay.
Diễn biến của giá tiêu dùng trong tháng 9 được cho là chịu ảnh hưởng từ những yếu tố chủ quan. Trong đó, phí các dịch vụ y tế đã tăng 17,02% so với tháng trước sau khi các địa phương quyết định áp dụng thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc điều chỉnh khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, với quyền số chiếm 5,6% trong rổ hàng hóa tính CPI, mức tăng 17,02% này đã đóng góp 0,95% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước. Bên cạnh đó, việc tăng học phí đã khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 10,54%, đóng góp 0,6% vào mức tăng CPI chung. Tuy nhiên, việc điều chỉnh học phí này là đúng với lộ trình được Chính phủ đề ra; và chỉ số nhóm giáo dục cũng tăng cao trong tháng 9 của năm 2010 (12,02%), của năm 2011 (8,62%). Nghĩa là các cơ quan chức năng chắc hẳn đã phải lường đoán ảnh hưởng đến diễn biến lạm phát trước khi ban hành quyết định của mình. Nhưng dường như diễn biến giá tiêu dùng trong tháng này đã vượt quá dự kiến của cơ quan chức năng, thậm chí là dự báo của nhiều tổ chức nghiên cứu, chuyên gia được đưa ra từ đầu năm nay.
Ngoài hai nhóm hàng tăng mạnh trên, nhóm giao thông với quyền số tương đối lớn đã đóng góp đáng kể vào mức tăng chung với chỉ số giá của nhóm đạt ở mức tăng 3,83% so với tháng liền trước. Nhóm giao thông tăng cao do các đợt tăng giá xăng dầu thời gian trước đã được tính đầy đủ vào chỉ số giá tháng này, nhất là đợt tăng khá mạnh ngày 28.8.2012. Ngoài ra, các ảnh hưởng gián tiếp thông qua giá cước vận chuyển của các hãng vận tải cũng đã được thể hiện trong chỉ số giá tháng này. Mức tăng của nhóm giao thông là hệ quả của việc doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, nhưng lại chậm điều chỉnh tương ứng khi thị trường thế giới biến đổi. Căn nguyên của tình trạng này cũng từ quy định giao quyền định giá xăng, dầu cho doanh nghiệp tại Nghị định 84 của Chính phủ. Giao quyền này trong điều kiện chưa hình thành thị trường cạnh tranh lành mạnh, và doanh nghiệp chưa phải công khai các thông số chi phối quyết định điều chỉnh của mình. Vì thế, dư luận xã hội không thể biết quyết định của doanh nghiệp là đúng hay sai, có phải do lợi ích nhóm chi phối hay không.
Còn nhớ, trong tháng 8, các chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ cần chú trong điều hành các chính sách để tránh lặp lại vết xe đổ là lạm phát sẽ tăng mạnh sau một năm giảm tốc. Song, diễn biến của chỉ số CPI trong tháng 9 đã cho thấy mối nguy lạm phát sẽ không chỉ quay lại sau một năm, mà có thể quay lại sau một tháng. Hơn thế, cuối năm thường là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp dồn sức để hoàn thành kế hoạch, nên lượng tiền đưa ra sẽ cao hơn so với thời gian trước. Vì vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ luồng tiền tung ra, đặc biệt là phải đưa đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng. Một yếu tố cũng cần rút kinh nghiệm từ diễn biến giá tiêu dùng trong tháng 9 là phải tăng cường liên kết, trao đổi giữa các bộ, ngành trước khi ban hành chính sách. Bởi việc ban hành chính sách nếu không có cái nhìn tổng thể mà theo cách chặt khúc thì sẽ khó đạt kết quả chung cho điều hành vĩ mô.