Quyết định đúng đắn
Các Ngoại trưởng và Tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia, Malaysia và Philippines đã ký Tuyên bố chung về an ninh hàng hải, mở ra triển vọng mới trong hợp tác đấu tranh chống cướp biển, khủng bố và đối phó với hoạt động ngày càng thiếu thân thiện của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được cho là bước đi cần thiết, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của ba nước Đông Nam Á đang cùng có các tranh chấp trên biển với Bắc Kinh.
Mũi tên 4 đích
Theo Tuyên bố chung, lực lượng vũ trang 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung, phối hợp trên biển, nhằm tăng cường an ninh hàng hải sau vụ bắt cóc con tin trên biển Indonesia hồi cuối tháng 3 vừa qua. Ngoài ra, 3 nước cũng thống nhất thiết lập đường dây nóng nhằm chia sẻ thông tin tình báo liên quan và nâng cao hiệu quả hợp tác trong trường hợp khẩn cấp và an ninh bị đe dọa. Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp cũng khẳng định sự cần thiết và cấp bách trong tiến hành cứu trợ người và tàu thuyền bị nạn trong khu vực.
Theo các chuyên gia, việc Indonesia, Malaysia và Philippines ký kết Tuyên bố chung về an ninh hàng hải là nhằm 4 mục đích: đối phó với sự gia tăng các mối đe dọa an ninh hàng hải như cướp biển, khủng bố; bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mỗi quốc gia; phản ứng trước những hoạt động thiếu thân thiện của Trung Quốc tại Biển Đông; tăng cường tiềm lực của các lực lượng an ninh trên biển.
![]() Tổng thống Indonesia Jolo Widodo và Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines trong cuộc họp về an ninh hàng hải ngày 5.5.2016 |
Thời gian gần đây, an ninh hàng hải tại khu vực 3 nước bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn cướp và bắt cóc gia tăng. Hồi tháng 3, các phần tử thuộc nhóm Abu Sayyaf miền Nam Philippines đã bắt giữ 14 thủy thủ người Indonesia và 4 thủy thủ người Malaysia làm con tin; yêu cầu khoản tiền chuộc trị giá 1 triệu USD. Sau đó một tháng, các tay súng Abu Sayyaf tiếp tục hành quyết con tin người Canada John Ridsdel trên đảo Samal, Nam Philippines sau khi không nhận được tiền chuộc theo yêu cầu. Việc các nước phối hợp tuần tra chung là một trong những giải pháp góp phần chống nạn cướp biển ở ngoài khơi đảo Kalimantan, Indonesia. Hơn 10 con tin nước ngoài và địa phương vẫn đang nằm trong tay Abu Sayyaf - tổ chức đã bị Mỹ và Philippines liệt vào danh sách khủng bố.
Tuyên bố chung cũng nhằm bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Hiện Malaysia và Philippines vẫn đang nỗ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ lâu dài ở khu vực phía Đông của bang Sabah, Malaysia. Do đó, hoạt động tuần tra chung có thể giúp Malaysia ngăn các đối tượng ở miền Nam Philippines xâm nhập vào Sabah, như sự việc từng xảy ra hồi năm 2013.
Các hoạt động thiếu thân thiện của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nước đi đến sự hợp tác này. Việc các nước trong khu vực hợp tác an ninh hàng hải cũng có thể phần nào khiến Trung Quốc phải suy tính lại về kế hoạch bành trướng tại khu vực.
Và cuối cùng, đối với Indonesia, kế hoạch tuần tra chung sẽ bảo đảm cho đất nước vạn đảo này tăng cường tiềm lực an ninh để bảo vệ bờ biển; tạo cơ chế phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển trong nước nhằm hướng đến xây dựng hệ thống an ninh và chính sách hàng hải mạnh mẽ, hiệu quả.
Thời điểm nhạy cảm
Đánh giá về bước đi này, giới phân tích lưu ý nhiều đến thời điểm đưa ra Tuyên bố chung. Đa phần các ý kiến cho rằng Indonesia, Malaysia và Philippines đã chọn đúng thời điểm trước thềm sự kiện quan trọng liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông.
Vào tháng 6 tới, Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) sẽ sớm đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh các tranh chấp ở Biển Đông. Hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng, phán quyết này sẽ theo hướng có lợi cho Philippines. Mặc dù tác động thực chất của phán quyết đến hành động của Trung Quốc tại Biển Đông có thể không đáng kể, song đó vẫn sẽ trở thành tiền lệ nhằm củng cố nền tảng pháp lý trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông.
Phán đoán về hậu phán quyết của PCA, Giáo sư Steve Tsang, Trưởng khoa Trung Quốc học tại Đại học Nottingham, Anh nhận định, Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa án một cách “lịch thiệp” và chắc chắn sẽ tiếp tục các hoạt động của mình tại Biển Đông. Ông Tsang cho rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nhắc lại luận cứ lịch sử về chủ quyền trên Biển Đông và tính xác thực của những luận cứ đó. Các nhà phân tích khác trong khu vực phán đoán, sau phán quyết có lợi cho Manila, Bắc Kinh có thể tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Từ khi ADIZ được Trung Quốc thiết lập trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013, nhiều người tự hỏi liệu điều tương tự có xảy ra tại Biển Đông hay không. Đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang huy động nhiều chiến hạm hiện đại tập trận rầm rộ ở Biển Đông; đồng thời huấn luyện ngư dân thành “dân quân” trên biển. Nếu ADIZ Trung Quốc tại Biển Hoa Đông chỉ nhắm vào Nhật Bản, thì một ADIZ Trung Quốc khác trên Biển Đông sẽ tác động tới một loạt các nước Đông Nam Á, trong đó có cả Philippines, Malaysia và Indonesia.
Xuất phát từ bối cảnh này, việc Philippines, Malaysia và Indonesia có được một cái một cái bắt tay chung trên Biển Đông là thực sự cần thiết và đúng thời điểm.