Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không thể bị hạn chế ngay từ nghị định của Chính phủ

Nguyễn Vũ ghi; Ảnh: T.Bình 18/06/2014 08:26

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này có rất nhiều điểm mới, tiến bộ so với Luật năm 2005. Tuy vậy, nhiều ĐBQH cho rằng, dự thảo cần tiếp tục cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp. Theo đó, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

ĐBQH Lê Đắc Lâm (Bình Thuận): Không vì năng lực quản lý hạn chế mà giới hạn một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân

Điều 7, về ngành nghề và điều kiện kinh doanh, dự thảo Luật quy định: doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm.

Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Do vậy, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không thể bị hạn chế ngay từ nghị định của Chính phủ, Thông tư của bộ, ngành hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 7, dự thảo Luật. Không thể vì năng lực quản lý hạn chế mà giới hạn một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Mặt khác, môi trường đầu tư của nước ta đang thiếu sự hấp dẫn so với các quốc gia khác nên việc quy định và cụ thể hóa những ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện ngay trong Luật này không chỉ giúp quy định của Hiến pháp năm 2013 được thi hành, mà còn giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp. Do vậy tại khoản 1, 2, 3, Điều 7 tôi kiến nghị điều chỉnh như sau:

1. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

2. Đối với ngành nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện của doanh nghiệp thì được kinh doanh hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định.

3. Điều kiện kinh doanh đã yêu cầu doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành nghề cụ thể được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

ĐBQH Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum): Cần có những quy định để doanh nghiệp nhà nước chỉ được kinh doanh đúng ngành nghề Nhà nước cho phép

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không thể bị hạn chế ngay từ nghị định của Chính phủ ảnh 2Thứ nhất, về việc áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan khác quy định tại Điều 3, dự thảo Luật quy định: trường hợp luật chuyên ngành quy định khác với Luật này về tổ chức quản lý và giải thể đối với doanh nghiệp liên quan thì áp dụng quy định của luật đó. Tôi nhận thấy quy định này chưa đúng với quy định tại khoản 3, Điều 83 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là: trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét để điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp.

Thứ hai, về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật quy định: doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Theo tôi riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, để bảo đảm kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực, tránh đầu tư dàn trải và nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ nhà nước đã giao, đề nghị trong Luật cần phải có những quy định để doanh nghiệp nhà nước chỉ được kinh doanh đúng ngành nghề mà Nhà nước cho phép kinh doanh. Doanh nghiệp nhà nước không được tùy tiện kinh doanh tất cả các ngành nghề và chạy theo lợi nhuận, chạy theo phong trào như thời gian vừa qua. Việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phải được cơ quan thẩm quyền của Nhà nước thành lập doanh nghiệp đấy cho phép.

ĐBQH Nguyễn Công Bình (Yên Bái): Cần cụ thể hóa những ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ngay trong Luật này...

Tôi cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi và bổ sung mới trong dự thảo Luật Doanh nghiệp lần này. Một trong những nội dung mới là doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, có sự thay đổi quan trọng về quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký sang được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Có những quy định mới về cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong hoạt động và giải thể doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, thuận lợi, minh bạch hơn, để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tuy vậy, tôi cho rằng doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng, vì từ đó sẽ bố trí lại cơ cấu lao động, đào tạo nghề gắn với việc làm, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do những điều kiện chưa thuận lợi, việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ số 192 ngày 5.6.2014 về thực hiện chính sách, pháp luật trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì số doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn phát triển rất chậm. Hiện nay mới chiếm khoảng 1,6% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Năng lực cạnh tranh yếu, thiếu liên kết bền vững với nông dân. Một số làm ăn thua lỗ, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, trong dự thảo Luật, đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 8 hoặc có riêng một điều để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo hành lang pháp lý để có chính sách ưu đãi cao cho doanh nghiệp đầu tư vào những vùng khó khăn, miền núi và hải đảo.

Về ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh tại Điều 7, theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33, Hiến pháp năm 2013, về quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Tôi đề nghị cần cụ thể hóa những ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ngay trong Luật này hoặc để có sự linh hoạt khi giao Chính phủ quy định thì trong Luật có những nguyên tắc xác định các ngành nghề cấm kinh doanh là như thế nào.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Không nên để danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh được quy định bởi các văn bản dưới luật

Về ngành nghề kinh doanh quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, tôi đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và đề nghị cần thiết kết một điều riêng để quy định về nội dung này. Nói cách khác cần luật hóa những ngành nghề kinh doanh để bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp khi thực hiện Luật. Chúng ta không nên để danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh được quy định bởi các văn bản dưới luật như pháp lệnh hay nghị định như hiện nay. Theo tôi, không quá khó để luật hóa nội dung này, vì hiện nay những ngành nghề cấm kinh doanh đã và đang được quy định tại các nghị định hướng dẫn thực hiện các luật như Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư (đang trình QH sửa đổi), Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng... Việc luật hóa các ngành nghề cấm kinh doanh trong Luật này để tạo tính thống nhất trong pháp luật kinh doanh của Việt Nam, không nên quy định dàn trải tại các nghị định hướng dẫn thực hiện các luật. 

Về vấn đề hậu kiểm, tôi đề nghị cần bổ sung quy định về hậu kiểm ngay trong Luật này. Cụ thể cần bổ sung quy định trong Luật một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện chế độ hậu kiểm để bảo đảm tính chính xác về số lượng doanh nghiệp thực chất đi vào hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh, hạn chế tối đa các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong kinh doanh như lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, trốn thuế hoặc lừa đảo xã hội... Thực tế đang xảy ra tình trạng: một cá nhân có thể thành lập nhiều doanh nghiệp bằng cách cho người thân hoặc bạn bè đứng tên trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tư vấn hoạt động xây dựng như thẩm tra, thiết kế, giám sát các công trình. Việc này đang gây ảnh hưởng khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng ở địa phương, đồng thời cũng đã và đang là nguyên nhân ảnh hưởng, làm giảm chất lượng các công trình xây dựng, gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước. Mặc dù đây là một ngành kinh doanh có điều kiện nhưng do dễ dàng thành lập mà lại không có cơ quan hậu kiểm nên rất khó quản lý và kiểm soát trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không thể bị hạn chế ngay từ nghị định của Chính phủ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO