Quyền tiếp cận thông tin và báo chí

- Thứ Bảy, 12/09/2009, 00:00 - Chia sẻ
Báo chí đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin. Vai trò này trước hết thể hiện ở chỗ, báo chí là một kênh đăng tải các thông tin do Nhà nước nắm giữ. Sẽ là chưa đủ nếu Luật Tự do thông tin hay Luật Tiếp cận thông tin chỉ đơn thuần yêu cầu các cơ quan công quyền chấp nhận yêu cầu cung cấp thông tin.

02-quyen-tiep-25509-300.jpg

Một đặc điểm chung của hầu hết các Luật Tự do thông tin hay Luật Tiếp cận thông tin là đều quy định các cơ quan Chính phủ có nghĩa vụ phải cung cấp một số loại thông tin nhất định một cách chủ động mà không chờ yêu cầu từ phía công dân. Việc tiếp cận có hiệu quả của nhiều người tùy thuộc vào việc các cơ quan này có tích cực đăng tải và phổ biến các loại thông tin chủ yếu ngay cả khi không có yêu cầu hay không. Phạm vi của nghĩa vụ này tùy thuộc vào nguồn lực có hạn nhưng lượng thông tin được đăng tải cần được tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi mà công nghệ thông tin phát triển tạo thuận tiện hơn và rẻ hơn cho công tác đăng tải và phổ biến thông tin.

Thực tế đã cho thấy rằng thúc đẩy việc  tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền nắm giữ sẽ hiệu quả hơn việc cung cấp thông tin thụ động nhằm đáp ứng người yêu cầu. Cách tiếp cận này ngày càng được thừa nhận là một trong những biện pháp quan trọng nhất để thúc đẩy việc tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền nắm giữ. Trong đó, không thể thiếu báo chí với tầm lan tỏa rộng khắp của mình, nhất là với sự ra đời của báo mạng. Chính vì thế, pháp luật nhiều nước quy định cơ quan công quyền phải có nghĩa vụ công bố các thông tin trên báo chí.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu về quyền tiếp cận thông tin trên thế giới nhận xét, báo chí có lợi thế trong việc phổ biến các quyền của người dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, và theo dõi việc thực hiện quyền này. Như một điều kiện tối thiểu, pháp luật cần có những qui định về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân biết những thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của mình, kể cả quyền tiếp cận thông tin, phạm vi thông tin sẵn có và cách thức theo đó những quyền đó có thể thực hiện được. Ở những nước có trình độ dân trí thấp hoặc việc cung cấp báo viết còn hạn chế thì việc sử dụng phương tiện phát thanh (báo nói) là công cụ quan trọng để phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các quy định về quyền tiếp cận thông tin nói riêng.

Chính vì vậy, các văn kiện luật quốc tế đều nhấn mạnh mối liên hệ giữa báo chí và quyền tiếp cận thông tin được gắn liền với tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Điển hình nhất là Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền (UDHR) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948 đã tuyên bố: “Bất cứ ai cũng có quyền đối với sự tự do tư tưởng và tự do ngôn luận; quyền này bao gồm sự tự do có chính kiến mà không có sự can thiệp của người khác và có quyền tìm kiếm, nhận và phổ biến thông tin và tư tưởng thông qua bất cứ phương tiện truyền thông nào mà không cần phải quan tâm đến giới hạn của nó”. Như vậy, Tuyên ngôn nhân quyền thừa nhận vai trò của các phương tiện truyền thông là thúc đẩy quyền tìm kiếm, nhận và phổ biến thông tin.
Tòa án châu âu về quyền con người cũng đã khẳng định lại: “Tự do ngôn luận thiết lập một trong những nền tảng cần thiết của một xã hội dân chủ, một trong những điều kiện cho sự phát triển của nó và sự phát triển của mỗi con người”. Tòa án khẳng định thêm rằng: “Tự do báo chí mang lại cho công chúng một trong những cách tốt nhất để khám phá và hình thành nên quan điểm và thái độ đối với những nhà lãnh đạo chính trị của họ. Đặc biệt, nó làm cho các nhà chính trị có cơ hội để phản ánh và bình luận về những mối quan tâm của công chúng; nó cho phép mỗi người được tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị tự do, nó chính là cốt lõi của nội dung của một xã hội dân chủ”.

Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã diễn ra những trường hợp đi ngược với xu hướng phát huy vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin. Thậm chí, Luật Tiếp cận thông tin và Bảo vệ quyền riêng tư của Zimbabwe trên thực tế lại được sử dụng để đưa ra các quy định nghiêm ngặt đối với các nhà báo cũng như để đóng cửa gần như tất cả các tờ báo đã không ủng hộ Chính phủ một cách vô điều kiện và bỏ tù hoặc trục xuất tất cả các nhà báo không hợp tác.

Nguyên Lâm