Nghị viện và báo chí

“Quyền lực thứ 4” trong hoạt động nghị trường

- Chủ Nhật, 14/11/2021, 07:40 - Chia sẻ
Tháng 5.1789, Vua Louis XVI của Pháp triệu tập đại diện của các đẳng cấp đến họp tại Cung điện Versailles: Đẳng cấp thứ nhất gồm 300 nhà quý tộc; Đẳng cấp thứ hai gồm 300 chức sắc tăng lữ, đẳng cấp thứ ba gồm 600 thường dân.

Vài năm sau cuộc Cách mạng Pháp, Edmund Burke nhìn lên khu vực dành cho giới báo chí trong Hạ viện nói: “Trên đó là đẳng cấp thứ tư, và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn mọi đẳng cấp khác”. Sự kiện này đã giúp khẳng định một quyền lực mới - quyền lực báo chí. Điều đó cũng nói lên rằng, ngay từ khi nền dân chủ mới ra đời, báo chí và Nghị viện đã có mối quan hệ mật thiết.

Trước hết, báo chí có tác động quan trọng tới hoạt động giám sát của Nghị viện. Đó là bởi báo chí, đặc biệt là những tờ báo chính thống, là một nguồn thông tin quan trọng và chân thực cho các nghị sĩ trong hoạt động giám sát. Thông qua báo chí, các nghị sĩ có thể cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và chính xác về các lĩnh vực, trong nước và thế giới. Từ những thông tin do các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, Nghị viện có thể thấy được những vấn đề nổi lên trong việc thực hiện các chính sách để đưa ra những quyết định kịp thời, đúng đắn. Chẳng hạn, những con số điều tra của các báo có uy tín như The Economist, Financial Times, Wall Street Magazine có thể cung cấp khá nhiều thông tin đáng tin cậy để các nghị sĩ thực hiện chức năng giám sát ngân sách, thực thi “quyền lực của túi tiền” của Nghị viện. Hoặc từ những bài báo về tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát; hải quan, thuế vụ... các nghị sĩ cũng có thể nêu những câu hỏi chất vấn hóc búa cho các bộ trưởng.

Nguồn: The Economist

Tiếp đó, Nghị viện có thể sử dụng sức lan truyền của báo chí để truyền thêm xung lực cho những công cụ giám sát khác. Chẳng hạn, bên cạnh việc chuyển tải những nội dung chính, các báo thể hiện cả những ý kiến trái ngược hoặc những phản ứng của các nghị sĩ, của cử tri đối với việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng. Điều này ít nhiều cũng gây áp lực, khiến những người có trách nhiệm phải cân nhắc và xem xét lại cách thức trả lời chất vấn của mình trong những lần tiếp theo. Thực tế cho thấy, thành công và hiệu quả của các phiên điều trần ở Nghị viện phụ thuộc nhiều vào báo chí. Vào năm 1956, một hạ nghị sĩ Mỹ tổ chức một loạt cuộc điều trần về an toàn ô tô, nhưng báo chí bỏ qua và Quốc hội Mỹ cũng bỏ qua chuyện ấy. Dự luật bị chìm vào quên lãng. 9 năm sau, hai nghị sĩ khác đưa vấn đề này ra điều trần, được các báo đưa tin trên trang nhất, góp phần lớn vào sự ra đời của đạo luật 1966 về an toàn của xe ô tô. Như vậy, khi một vấn đề được Nghị viện đưa ra giám sát thì với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, vấn đề đó được phổ biến rộng rãi, tạo thành áp lực đối với các cơ quan bị giám sát.

Cũng vì một vấn đề được nêu trên báo chí có sức lan tỏa và có tác động lớn, nên nghị sĩ có thể thông qua báo chí tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng đối với một vấn đề mà nghị sĩ quan tâm, theo đuổi. Khi có một vấn đề chưa rõ hay còn gây tranh cãi trong Nghị viện, báo chí có sự tham gia điều tra thông tin độc lập cung cấp cho nghị sĩ, trở thành tài liệu tham khảo tốt cho các cuộc thảo luận tại nghị trường. Tất nhiên, để thuyết phục được công chúng, trước hết nghị sĩ phải thuyết phục được các nhà báo ủng hộ quan điểm của họ. Nhưng để làm được điều đó, nghị sĩ cần có sự chuẩn bị kỹ càng các thông tin có liên quan, các bằng chứng xác đáng và các lập luận logic xung quanh vấn đề cần nêu.

Sự chủ động của báo chí trong việc trở thành công cụ đắc lực cho Nghị viện thực hiện giám sát, thể hiện ở chỗ: Báo chí thường tham gia ngay từ đầu trong việc xem xét các dự thảo luật của Chính phủ; cung cấp thông tin và tạo diễn đàn xã hội để đóng góp, hoàn thiện về những vấn đề nêu ra chính sách của Chính phủ; tiếp tục giám sát chính sách khi đi vào cuộc sống như việc thực thi của các cơ quan chức năng, tính hợp lý khi đi vào đời sống; tổng kết những vấn đề được và chưa được khi chính sách đi vào cuộc sống.

Nguyên Lâm