Quyền lực thông minh trong thế kỷ XXI

Nguyễn Hoàng
Theo PS
11/07/2011 07:52

Tháng 7 cách đây 40 năm, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã có chuyến đi bí mật tới Bắc Kinh, khởi nguồn cho quá trình hàn gắn khác biệt tồn tại 20 năm trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyến đi đó và cuộc viếng thăm sau này của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã mở ra cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc bỏ qua thù địch để cùng kiềm chế một Liên Xô đang không ngừng mở rộng.

Quyền lực thông minh trong thế kỷ XXI ảnh 1 Nguồn: thomaspmbarnett.com

Giờ đây, khi Liên Xô đã tan rã và quyền lực của Trung Quốc đang gia tăng, một số người Mỹ cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc không thể diễn ra trong hòa bình, và rằng Hoa Kỳ cần có một chính sách kiềm chế Trung Quốc. Đó cũng là nhận thức của nhiều quan chức Trung Quốc về chiến lược hiện tại của Mỹ.

Họ đã lầm.

Trong Chiến tranh lạnh, kiềm chế Liên Xô có nghĩa là không có thương mại và liên lạc xã hội. Ngày nay, ngược lại, Mỹ không chỉ có hoạt động thương mại lớn với Trung Quốc, mà còn có nhiều liên hệ xã hội, bao gồm cả 125.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học ở Mỹ.

Những năm 90, Mỹ bác bỏ ý tưởng kiềm chế Trung Quốc vì hai lý do. Nếu coi Trung Quốc như một kẻ thù, Mỹ sẽ có một kẻ thù trong tương lai. Nếu coi Trung Quốc như một người bạn, Mỹ không thể đảm bảo sẽ có tình bạn, nhưng ít nhất cũng có thể tiếp tục để ngỏ khả năng cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Ngoài ra, sẽ khó thuyết phục các nước khác tham gia một liên minh kiềm chế Trung Quốc. Chỉ có Trung Quốc, với những hành động của mình, mới có thể buộc các nước khác kiềm chế họ.

Thay vì kiềm chế, chiến lược của thời chính quyền Clinton có thể được gọi là “dính líu nhưng thận trọng” - giống cách tiếp cận của Ronald Reagan với với Liên Xô “tin tưởng nhưng xem lại”. Một mặt, Mỹ ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới và chấp nhận hàng hóa và khách du lịch Trung Quốc. Mặt khác, Tuyên bố Clinton - Hashimoto tháng 4.1996 khẳng định hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, tạo cơ sở cho sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực Đông Á. Tổng thống Clinton cũng bắt đầu cải thiện quan hệ với Ấn Độ với sự ủng hộ của cả hai đảng ở Mỹ. Sau đó chính quyền Bush tiếp tục cải thiện quan hệ song phương, trong khi chính thức hóa các cuộc đối thoại kinh tế với Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick đã nói rõ rằng Hoa Kỳ chấp nhận sự vươn lên của Trung Quốc. Chính sách này vẫn được tiếp tục dưới thời Obama, thậm chí còn mở rộng thêm các cuộc tham vấn kinh tế hàng năm với Trung Quốc bao gồm vấn đề an ninh của “các bên liên quan có trách nhiệm.”

Một trong những thay đổi quyền lực lớn nhất trong thế kỷ XXI là châu Á hồi sinh. Những năm 1800, châu Á chiếm một nửa dân số thế giới và một nửa nền kinh tế của thế giới. Đến năm 1900, cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ đã khiến phần chia sẻ của châu Á trong sản lượng toàn cầu chỉ còn 20%. Đến giữa thế kỷ này, châu Á sẽ lại đại diện cho một nửa dân số và GDP thế giới. Đây là một tiến trình tự nhiên và đáng hoan nghênh vì nó giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, nó lại làm tăng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa đối với Mỹ. Mối lo này ngày càng lớn, đặc biệt khi châu Á không phải là một thực thể thống nhất.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, khi Trung Quốc phục hồi nhanh chóng trở lại với tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% hàng năm, một số quan chức Trung Quốc và các nhà bình luận đã kêu gọi một chính sách quyết đoán hơn để phản ánh sức mạnh mới của Trung Quốc. Nhiều người nhầm tưởng Mỹ đã suy yếu, và rằng cuộc khủng hoảng đã mang lại cơ hội cho chiến lược mới của Trung Quốc.

Đơn cử, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố lãnh thổ ở biển Đông, cũng như leo thang tranh chấp biên giới lâu nay với Ấn Độ. Kết quả là trong hai năm qua, Trung Quốc đã làm xấu đi quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, và những nước khác.

Chỉ có Trung Quốc mới có thể tự tạo ra chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và các nước khác.

Sẽ là một sai lầm nếu chỉ tập trung vào mâu thuẫn lợi ích Mỹ - Trung. Các nước có nhiều lợi ích khi hợp tác trong các vấn đề xuyên quốc gia. Người ta không thể thực hiện các giải pháp ổn định tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, khủng bố mạng, hoặc đại dịch mà không cần đến hợp tác đa phương.

Nếu định nghĩa quyền lực là khả năng có được kết quả như mong muốn, hãy nhớ rằng đôi khi quyền lực sẽ lớn hơn khi hành động cùng với người khác hơn là trên cơ những người khác. Điều này là rất quan trọng trong một chiến lược “quyền lực thông minh” cho thế kỷ XXI chứ không phải là các khái niệm về kiềm chế. Khi Kissinger đến Bắc Kinh bốn thập kỷ trước đây, ông ta đã mở ra không chỉ là một chuyển biến trong Chiến tranh Lạnh, mà còn là kỷ nguyên mới của chiến lược dính líu Mỹ - Trung.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyền lực thông minh trong thế kỷ XXI
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO