Quyền lực của người nhập cư
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho công bố bản báo cáo về tình trạng di cư ở Châu Âu và Trung Đông kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Kết quả phân tích cho thấy người lao động nhập cư đang trở thành một lực lượng đáng kể, giúp vẽ lại bản đồ nhân khẩu học, hình dáng cuộc sống và tạo nên một diện mạo mới cho kinh tế Lục địa Già.

Sau khi 10 quốc gia Đông âu gia nhập EU năm 2004 và mới đây là Bulgaria và Romania, đã diễn ra một làn sóng người di cư tới các nước thành viên cũ của Liên minh. Họ đi khắp các vùng đất Tây Âu để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn. Ba Lan, quốc gia lớn nhất trong số 10 thành viên mới của EU năm 2004, đã chứng kiến 2 triệu công dân sang Anh, Ireland và các nước Tây âu khác. WB dự đoán trong những năm tới, số lượng người lao động Đông âu sang tìm việc ở Tây âu, Bắc Mỹ vẫn sẽ tỷ lệ thuận với những cơ hội mà mảnh đất hứa này tạo ra cho họ.
Theo WB, người lao động nhập cư đã tác động mạnh lên các khuynh hướng nhân khẩu học. Trong khi một bộ phận dân cư của Đông âu di cư tới những nơi dễ tìm việc hơn thì một làn sóng lao động từ nơi khác cũng di cư đến quê hương họ để bù đắp khoảng trống nguồn nhân lực. Như vậy, ngoài dòng chảy của người lao động Đông âu tới Tây âu còn có làn sóng lao động đến từ không gian hậu Xô Viết, phần lớn thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) di cư đến Nga và Đông âu. Họ chọn Nga vì trước đây các nước này đều thuộc Liên bang Xô Viết, nên có thể chia sẻ về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống và tiến trình hoà nhập với xã hội Nga cũng dễ dàng hơn các nước khác. Quan trọng hơn, những năm gần đây một số thành phố lớn của Nga ngày càng trở nên thịnh vượng và sầm uất hơn nhờ nguồn lợi thu về từ dầu mỏ. Đến Nga, những người nhập cư hy vọng sẽ có nhiều cơ hội về việc làm và cải thiện đời sống. Do đó, Nga đã trở thành điểm đến lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, với tổng số dân nhập cư trái phép là 3 - 3,5 triệu. Riêng thành phố Moscow đạt số dân hơn 10,5 triệu người trong đó có 1,4 triệu người nhập cư trong thập kỷ qua. Người nhập cư chiếm gần một phần mười dân số Nga, trong đó, 15% là người Ukraine và 20% đến từ Kazakhstan.
Theo báo cáo của WB, số tiền của người lao động di cư gửi về là khoản tài sản bổ sung quý giá cho nguồn vốn cần thiết của nhiều quốc gia. Đối với Moldova và Bosnia, những khoản tiền, hàng gửi về của những người lao động di cư chiếm hơn 20% tổng thu nhập quốc dân (GDP), chiếm hơn 10% GDP của Albania, Armenia và Tajikistan. Đối với một số nước, khoản tiền gửi về thường xuyên này là nguồn ngoại tệ lớn nhất, thậm chí là duy nhất. Tuy khoản tiền gửi về của người lao động di cư không mang đến những kích thích với nền kinh tế trên phương diện vĩ mô nhưng chúng đã rõ ràng góp phần làm giảm bớt sự nghèo đói, giải quyết một phần gánh nặng tài chính cho chính phủ. Tính tổng thể, số tiền gửi về của người nhập cư có thể cung cấp đủ cho 20% chi tiêu của các gia đình nghèo nhất trong những khu vực trên. Ngoài ra, những người dân di cư trở về nhà với của cải tích lũy được ở nước ngoài cùng vốn tri thức và phong cách làm việc hiện đại. Điều đó họ sẽ đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế quê hương để giúp nâng cao chất lượng lao động và cuộc sống trong nước.
Tuy nhiên, tình trạng trên có thể sẽ không kéo dài do dân số của các quốc gia ở Đông âu và Trung Á bắt đầu già đi. Trong tương lai, cùng với sự phát triển kinh tế, những nước này sẽ cung cấp ít người di cư hơn và đòi hỏi nhiều lao động cho chính mình. Báo cáo về vấn đề nhập cư của Đông và Trung âu dự báo dân số khu vực này tiếp tục giảm từ nay đến năm 2050. Các nước vùng Baltic như Hungary, Séc và Slovakia đang có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (hiệu số giữa tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử) rất thấp, thậm chí là âm.
Với sự tuần hoàn luân chuyển của dòng người lao động di cư và nhập cư đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, giải pháp tốt nhất với các Chính phủ là ban hành những chính sách hợp lý để mang lại lợi ích cho tất cả các bên gồm người lao động, quốc gia tiếp nhận lao động nhập cư và đất nước có người lao động di cư. Trong đó, điều quan trọng nhất là giúp lao động nhập cư có tư cách pháp lý, sống và làm việc trong khuôn khổ pháp luật để có cơ hội đóng góp một lúc cho hai quê hương và làm giàu cho chính bản thân mình.
Hoa Chi (Theo Economist)