Quyền lực của Chaebol
Trong vòng bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới (19.12), hạn chế quyền lực những tập đoàn gia đình (Chaebol) là một trong những chủ đề nóng trong cuộc vận động tranh cử của 3 ứng cử viên Park Geun-hye, Moon Jae-in và Ahn Cheol-soo. Hạn chế quyền lực của Chaebol ở Hàn Quốc không phải chủ đề mới, song chưa bao giờ câu chuyện này lại trở nên bức thiết như hiện nay.

Chaebol là một mô hình khác của tập đoàn thuộc sở hữu và được một gia đình điều hành tại Hàn Quốc, thường mang hình thức của một công ty mẹ với nhiều công ty con để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Sau cuộc binh biến 1961, các Chaebol vốn là các doanh nghiệp lớn có sẵn bấy giờ được chính phủ Hàn Quốc khuyến khích phát triển bằng nhiều chính sách ưu đãi nhằm cải tạo tình trạng nghèo nàn của đất nước bằng một cuộc công nghiệp hóa thần tốc. Chính nhờ những chính sách ưu đãi này, các Chaebol nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn tầm cỡ thế giới, đưa xứ sở Kim chi “lột xác” từ một đất nước nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nước công nghiệp mới lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mô hình Chaebol ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997: mối quan hệ gần gũi giữa các lãnh đạo Chaebol với chính phủ đã khiến hệ thống giám sát ngày càng trở nên lỏng lẻo, dẫn đến sự cho vay tràn lan, bao gồm cả khoản vay cho các dự án lợi nhuận kém. Các Chaebol tham gia đến 2/3 trong số 76 ngành kinh doanh ở Hàn Quốc và hầu như triệt tiêu cạnh tranh trên thị trường kinh tế. Sự tập trung vốn vào các Chaebol đã khiến các tập đoàn này thâu tóm quyền lực để thao túng các chính sách kinh tế, xã hội nhằm phục vụ các nhóm lợi ích. Các Chaebol cũng vươn ra đầu tư đa ngành khiến nguồn vốn bị dàn trải, dẫn đến thiệt hại lớn ở những ngành thiếu kinh nghiệm. Tỷ lệ dư nợ của 30 Chaebol lớn nhất lên đến 400% tổng giá trị vốn sở hữu trong những năm 1990 đã biến các tập đoàn này thành gánh nặng của kinh tế Hàn Quốc. Hoạt động kinh doanh mập mờ của các ông chủ Chaebol cũng là điều đáng lo ngại. Hồi đầu tháng, Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc đã phạt ba công ty có liên quan đến tập đoàn bán lẻ Shinsegae với số tiền phạt lên đến 4 tỷ won (tương đương 3,7 triệu USD).
Từng rất tự hào về sự hùng mạnh của các Chaebol, giờ đây, Seoul lại bày tỏ sự lo ngại bởi sự phát triển không kiểm soát của Chaebol đang chi phối nền kinh tế đất nước, khiến giá tiêu dùng và nợ gia đình tăng, từ đó làm cho cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn. Đã có không ít các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc từng cảnh báo rằng chính Chaebol đã khiến tình trạng mất cân bằng gia tăng trong bối cảnh dân số đang ngày càng bị già hóa và nền kinh tế suy sụp.
Như giáo sư Kang Won Taek của trường đại học Seoul nhận định: “Trong bối cảnh như thế, ngay cả bà Park Geun-hye cũng không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa đề nghị cải cách các Chaebol vào chương trình tranh cử” để lấy lòng cử tri với chủ đề “Dân chủ trong kinh tế”.
Theo Korea Herald, bà Park Geun-hye (con gái của nhà độc tài Park Chung-hee, ứng viên thuộc đảng Saenuri), cam kết đưa ra những dự luật chặt chẽ buộc các Chaebol hạn chế trong hoạt động kinh doanh và đầu tư, đưa ra những điều luật chặt chẽ trừng trị những ông chủ phạm tội và cả gia đình của họ.
Ứng cử viên độc lập Ahn Cheo soo từng làm giàu trong ngành tin học cho rằng, Hàn Quốc sẽ có nhiều trường hợp thành công như ông hơn nếu các Chaebol có ít quyền lực đi. Ông mỉa mai so sánh nền kinh tế Hàn Quốc với một sở thú, trong đó các doanh nghiệp nhỏ phải bước vào với vai trò nhà cung cấp để có thể sống sót, trước khi lợi nhuận bị triệt tiêu bởi các hợp đồng bất công. Trong một bài diễn văn rực lửa, ông Ahn tuyên bố: “Một khi quý vị đã bị sập bẫy trong sở thú Samsung hay sở thú LG (hai tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc), quý vị không thể đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Lối ra duy nhất để thoát khỏi sở thú, là cái chết”, và “Không hề có tương lai trong hệ thống kinh tế hiện nay, khi của cải và các cơ hội do một vài người thống trị. Tôi sẽ thay đổi cái hệ thống bất công này”. Ông Ahn Cheo soo hứa hẹn xem xét lại việc quản lý các Chaebol, và ngăn cản các tập đoàn đầu tư thêm vào các lĩnh vực mới và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.
Còn ông Moon Jae in, thuộc đảng Dân chủ Thống nhất (đối lập trung tả), cam kết sẽ phân chia các Chaebol thành nhiều đơn vị nhỏ, tháo gỡ bớt sự kiểm soát quá chặt chẽ của các gia đình sáng lập đối với ban giám đốc các tập đoàn.
Dư luận cho rằng các Chaebol hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đến nỗi tấn công vào Chaebol cũng có nghĩa là tấn công vào nền kinh tế Hàn Quốc. Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện nay, để đạt mục tiêu hạn chế quyền lực kinh tế của Chaebol sẽ vẫn còn là một chặng đường dài và không ít khó khăn bởi nền kinh tế nước này đang chịu sự phụ thuộc rất nhiều vào các tập đoàn kinh tế lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, Chaebol yếu đi có thể là điều mà nền kinh tế đang cần.