Quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai năm 2013

Hoàng Văn Bảo
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương
06/03/2014 08:43

So với Luật Đất đai năm 2003, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp trong Luật Đất đai năm 2013 rộng hơn, nặng nề hơn. Ngoài chức năng giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai, còn một số nội dung mới HĐND các cấp cần quan tâm thực hiện.

Ngày 28.11.2013, QH Khóa XIII, Kỳ họp thứ Sáu đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014. Đây là đạo luật rất quan trọng, thuộc một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến hầu hết các tổ chức và toàn bộ công dân. Luật Đất đai năm 2013 đã luật hóa một vấn đề cốt lõi đã được Hiến pháp quy định: đất đai là tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Mặc dù có nhiều nội dung của luật còn cần đến các quy định chi tiết của Chính phủ, nhưng những quy định về quyền hạn, trách nhiệm của HĐND thì đã khá cụ thể, rõ hơn so với Luật Đất đai năm 2003.

Hiến pháp đã quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai. Quyền sở hữu đất đai mà nhà nước là đại diện bao hàm đầy đủ cả 3 quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ hơn quyền của đại diện chủ sở hữu gồm 8 quyền cơ bản, đồng thời giao cho Chính phủ và UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai. Như vậy, Chính phủ và UBND các cấp thay mặt nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Nhưng không phải toàn bộ các quyền của đại diện chủ sở hữu đều được giao cho hai cơ quan này mà có một số quyền được giao cho QH và HĐND. Đây chính là sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu trong lĩnh vực đất đai.

Đối với HĐND các cấp, Điều 21 Luật Đất đai năm 2013 quy định: HĐND các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển KT - XH vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương và quyền giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương. Như vậy, so với Luật Đất đai năm 2003, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp rộng hơn, nặng nề hơn. Nghiên cứu Luật Đất đai năm 2013 chúng tôi thấy ngoài chức năng giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai, còn một số nội dung mới HĐND các cấp cần quan tâm thực hiện:

Một là, trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ở cấp tỉnh, về cơ bản giống như Luật Đất đai năm 2003. HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền thông qua các đồ án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình để UBND trình Chính phủ phê duyệt. Ở cấp huyện, HĐND chỉ thông qua quy hoạch sử dụng đất 10 năm của huyện chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã để UBND cùng cấp trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không phải thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện. Riêng cấp xã, do không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã nên HĐND cấp xã không có thẩm quyền này. Việc này được giao cho cấp huyện thực hiện. Kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện là 10 năm. Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 5 năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm. Đây là một số điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003.

Hai là, đối với việc thu hồi đất, Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất do các cá nhân, tổ chức đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết để phát triển KT - XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thể chế hóa điều này, Luật Đất đai quy định rõ HĐND cấp tỉnh phải chấp thuận các dự án phát triển KT - XH ở địa phương mà phải thu hồi đất. Đây là điểm mới rất căn bản của Luật Đất đai năm 2013. Thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần hạn chế tình trạng thu hồi đất tràn lan, sử dụng đất kém hiệu quả… gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua. Nhưng, HĐND cấp tỉnh chấp thuận các dự án đầu tư như thế nào là điều cần bàn. HĐND họp mỗi năm hai kỳ, nhưng dự án đầu tư có thể diễn ra thường xuyên. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và UBND cấp tỉnh trong việc xem xét, chấp thuận các dự án đầu tư có sử dụng đất thì có thể vừa không thực hiện đúng Luật, vừa gây cản trở cho nhà đầu tư. Nên chăng tại mỗi kỳ họp cuối năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất trong năm kế hoạch. Trong đó, giải trình rõ mục tiêu KT - XH của dự án, quy mô đầu tư, năng lực nhà đầu tư, diện tích chiếm đất của dự án, diện tích đất phải thu hồi… HĐND tỉnh xem xét, thông qua danh mục dự án dưới hình thức một nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh. Giữa hai kỳ họp, nếu có dự án bổ sung thì thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh với sự tham gia của ban Kinh tế - Ngân sách để quyết định chấp thuận đầu tư và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm, sau đó bổ sung vào danh mục các dự án HĐND tỉnh đã có nghị quyết chấp thuận.

Ba là, trong lĩnh vực tài chính đất đai cũng có một số điểm mới đối với HĐND cấp tỉnh. Theo Luật Đất đai năm 2003, giá đất cụ thể hàng năm UBND cấp tỉnh chỉ cần xin ý kiến HĐND cùng cấp trước khi quyết định. Quy định như vậy không rõ, khó thực hiện. Vừa qua các địa phương thực hiện không thống nhất, có nơi HĐND tỉnh ra nghị quyết riêng về giá đất, có nơi chỉ ghi một câu vào nghị quyết KT - XH chung. Nay, Luật Đất đai năm 2013 quy định, UBND tỉnh xây dựng trình HĐND thông qua bảng giá đất trước khi quyết định. Bảng giá đất được xây dựng 5 năm một lần và được công bố công khai vào ngày 1.1 của năm đầu kỳ. Còn giá đất cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định hàng năm. Như vậy đến kỳ họp cuối năm 2015 tới đây, ngoài việc thông qua kế hoạch sử dụng đất kỳ 2016 - 2020, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có nghị quyết thông qua bảng giá đất của địa phương mình áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014 nhưng còn tới trên 50 điều có toàn bộ hoặc một phần nội dung do Chính phủ quy định chi tiết. Để việc thực hiện được nghiêm túc, thống nhất trong cả nước, đề nghị Chính phủ và các bộ sớm ra các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Các Ủy ban của QH, nhất là Ủy ban Kinh tế nên tổ chức các lớp tập huấn cho các đại biểu là thành viên ban Kinh tế  - Ngân sách HĐND các tỉnh - cơ quan chính tham mưu giúp HĐND cấp tỉnh thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ đã quy định trong Luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai năm 2013
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO