Quyền gắn liền với nghĩa vụ

Hà An 16/03/2013 14:08

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang trong quá trình lấy ý kiến, có rất nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm… Bên cạnh nội dung về chế độ chính trị, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, bảo vệ tổ quốc… thì nội dung về lao động – việc làm, an sinh xã hội và người có công cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, và của các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, quyền về bảo đảm an sinh của công dân phải gắn liền với nghĩa vụ.

Đóng góp ý kiến về nội dung lao động, việc làm, an sinh xã hội được đề cập trong sửa đổi Hiến pháp nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những quy định mới, tiến bộ, dự thảo vẫn còn những điểm cần phải bàn và cân nhắc kỹ cả về kỹ thuật lập hiến và nội dung.
 
Đánh giá về kỹ thuật lập hiến ở phần trình bày về nội dung an sinh xã hội, có ý kiến cho rằng, quy định về nội dung này có sự lẫn lộn giữa quyền con người, quyền công dân ở Chương II với chế định về phần chính sách xã hội ở Chương III. Theo đó, vấn đề an sinh xã hội được đề cập ở nhiều điều khác nhau: điều 35 đề cập đến quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân; điều 41 đề cập đến dịch vụ y tế, khám bệnh, chữa bệnh; điều 62 lại tiếp tục nói về chăm sóc sức khỏe, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; điều 63 lại trở lại nói về hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện. Vì vậy, có ý kiến đề nghị, dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên tập trung liền mạch nội dung này, tránh sự tản mạn, trùng lặp.

 
Đề cập đến an sinh xã hội, điều 35 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ghi: công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội, Phó chánh văn phòng  Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần phải phân biệt giữa quyền lao động của công dân (khía cạnh pháp lý) với quyền làm việc kiếm sống của mọi người (khía cạnh nhân sinh). Về khía cạnh nhân sinh, lao động là hoạt động tích cực, chính đáng nhằm bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quyền làm việc ở bất kỳ nơi nào mà mình lựa chọn. Theo ông Nhưỡng thì người nước ngoài có thể làm việc ở Việt Nam nhưng phải theo quy định, được làm việc ở những khu vực, công việc mà Việt Nam cho phép. Do đó, điều 35 của dự thảo theo ông Nhưỡng cần được sửa lại như sau: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi người có quyền làm việc, bình đẳng cơ hội việc làm, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động trái pháp luật”.

Cũng theo ông Nhưỡng, việc được chăm sóc sức khỏe là quyền của con người, không chỉ là quyền riêng của công dân. Vì vậy, khoản 1, Điều 41 của dự thảo cần được sửa lại là “Mọi người có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế”  thay vì sử dụng chủ thể “công dân” như trong dự thảo. Đều 61 dự thảo quy định: tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động. Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nhưỡng lập luận: tạo việc làm và giải quyết việc làm là hai vấn đề liên quan nhưng có tính độc lập. Có trường hợp tạo được việc làm, giải quyết việc làm nhưng có trường hợp chỉ giải quyết việc làm, tổ chức các dịch vụ việc làm. Với cách lập luận này, ông Nhưỡng đề nghị cần phải bổ sung cho đầy đủ, chính xác hơn, mặt khác, các hoạt động tạo việc làm, giải quyết việc làm phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, tránh vi phạm. Theo đó,  Khoản 1, điều 61 được thiết kế lại như sau “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng giải quyết việc làm để vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi của người khác”.

Để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, không thể chỉ mình Nhà nước thực hiện mà cần có chính sách để huy động các tổ chức, cá nhân tham gia. Do vậy, có ý kiến đề nghị Điều 63 của dự thảo cần sửa lại là: Nhà nước có chính sách phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, công bằng… thay vì quy định Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội… như nội dung dự thảo.
 
Ở một góc độ khác, nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh lại cho rằng, với cách quy định như Điều 35 của dự thảo sửa đổi lần này lại thể hiện nhược điểm. Quy định công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội là mới chỉ quy định một chiều là quyền được hưởng thụ mà không nói đến nghĩa vụ tham gia của công dân, dễ gây ra tâm lý ỷ lại, thụ động chờ đợi. Ông Thanh đưa ra ví dụ Bảo hiểm xã hội là một trụ cột của an sinh xã hội, tồn tại, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng, nếu không tham gia thì làm sao có quyền hưởng thụ? Thực tế thì điều 35 là sửa đổi, bổ sung điều 67 cũ. Điều 67 của Hiến pháp hiện hành bao gồm 2 loại chính sách, đó là chính sách người có công (thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ), và chính sách bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa). Nhưng thực tế an sinh xã hội không chỉ có hai chính sách đó. Hơn nữa, chính sách người có công là một chính sách đặc biệt có tính độc lập tương đối trong hệ thống chính sách xã hội nói chung, không nên lược bỏ, hay làm lu mờ nội dung này và nên làm thành một điều riêng, ông Thanh đề nghị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyền gắn liền với nghĩa vụ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO