Quyền con người, quyền công dân và nguyên tắc minh định Hiến pháp
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có mối liên hệ chặt chẽ. Đánh giá cao bản dự thảo đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Bảy, song theo một số ĐBQH dự Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì còn một số khái niệm trong hai dự luật này cần được thống nhất. Ví dụ hiểu thế nào là quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề pháp luật không cấm? Dẫu hiểu và thể hiện trong luật thế nào thì đều phải bảo đảm nguyên tắc: Luật cụ thể hóa Hiến pháp một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, bảo đảm quyền con người và quyền công dân đã được Hiến định.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đừng thêm vào Hiến pháp từ điều kiện để bày ra lắm thủ tục
Về doanh nghiệp xã hội, theo tôi đây là mô hình mới, đang phát triển. Do vậy, việc đưa khung đơn giản, duy trì mục đích xã hội và giao cho Chính phủ quy định chi tiết như dự thảo Luật là hợp lý. Sau này nếu mô hình doanh nghiệp xã hội phát triển tốt thì ta quy định cụ thể trong Luật.
Một điều cần lưu ý là các doanh nghiệp hiện nay đang làm công tác xã hội thì cơ quan soạn thảo phải có quy định ở các loại doanh nghiệp khác để người ta còn được làm. Luật hiện hành còn có một quy định: thứ nhất là hỗ trợ làm trường, làm sở... cho giáo dục; thứ hai là hỗ trợ bão lụt, bị ngập...; thứ ba là xây nhà cho người nghèo thì được tính vào giá thành trước thuế. Hiện nay mình không quy định thì người ta buộc phải lấy lợi nhuận. Các doanh nghiệp khác hoạt động xã hội, đất nước mình còn nghèo, còn khó khăn. Nên nhớ Chương trình 30a cho huyện nghèo, cứ mỗi huyện ấy là mấy doanh nghiệp, mấy tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư, rất có hiệu lực, rất có tác dụng.
Trở lại dự án Luật Đầu tư, tôi thấy ý kiến còn khác nhau. Chúng ta làm luật mà chưa nhất trí được thì phải thảo luận thêm. Anh Trần Du Lịch thì nói là không có loại sản xuất kinh doanh nào không có điều kiện cả. Nói thế cũng đúng nhưng điều ta quy định điều kiện trong dự thảo Luật và điều trong Hiến pháp quy định hạn chế là khác ý anh Trần Du Lịch nói. Đã làm nhà máy là phải có đất, đất là điều kiện để xây nhà máy, có ai nói trong luật đâu (?). Hay muốn làm nhà máy phải tuyển công nhân, phải có lao động. Khi tuyển lao động thì không được tuyển trẻ em, không phân biệt nam nữ - đó là điều kiện để anh được mở nhà máy, có ai cấm ở luật đâu. Nói điều kiện là để hạn chế anh không được làm. Ví dụ kinh doanh ngành, nghề chữa bệnh thì điều kiện phải là bác sỹ, có nghĩa là anh nào không có điều kiện bác sỹ là cấm và hạn chế không cho làm kinh doanh ngành, nghề chữa bệnh, còn anh có thể làm nghề khác tôi hoan nghênh.
Hiến pháp đang nói là cấm và hạn chế thì chúng ta lại đưa ra điều kiện để đánh hỏa mù. Tôi đề nghị phải khái niệm rõ: điều kiện là để hạn chế hoặc hạn chế bằng điều kiện. Hạn chế ở đây là hạn chế quyền kinh doanh, anh có quyền kinh doanh nhưng anh không được chữa bệnh cho người ta vì anh không phải là bác sỹ. Cho nên cần đưa ra điều kiện phải là bác sỹ - đó là điều kiện để hạn chế, mọi người khác không được làm kinh doanh chữa bệnh, chỉ có bác sỹ mới được làm. Nếu cứ nhầm lẫn thế này rất nguy hiểm. Hiến pháp chẳng có một chữ nào là kinh doanh có điều kiện cả. Đây lại đưa hẳn ra một chương là tất cả các luật cứ quy định điều kiện là hạn chế kinh doanh rồi, chúng ta phải quy định rõ vào trong Luật.
Đầu tư cũng phải khái niệm lại, đầu tư ở đây là đầu tư kinh doanh chứ không phải giai đoạn đầu, đầu tư ở đây để làm ăn và đầu tư là cả quá trình. Một là cấm thì không được làm. Hai là hạn chế, tức là không cho làm, nhưng cho những người khác làm. Ví dụ kinh doanh vũ khí là điều kiện, tôi hạn chế tất cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quốc dân, trừ xí nghiệp quốc phòng là không hạn chế. Như vậy nó là kinh doanh có điều kiện hay kinh doanh trong điều kiện hạn chế. Tôi đề nghị đừng thêm vào Hiến pháp từ điều kiện để bày ra lắm thủ tục. Hiến pháp chỉ nói hạn chế. Phải thống nhất tư tưởng của Hiến pháp, theo đó thì có thể bỏ chữ điều kiện và quy định bằng một khái niệm khác thì không ai hiểu nhầm. Chỉ là cách dùng từ thôi. Hiến pháp nói là quyền tự do kinh doanh, nhưng mình lại chơi thế phủ định là cấm. Trong Hiến pháp không nói là cấm mà là mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề không cấm, ở đây là tự do kinh doanh những ngành, nghề không hạn chế thì anh được tự do, còn tôi hạn chế thì anh phải theo.
Hiến pháp nói là cấm thì không cho làm, Hiến pháp nói là hạn chế thì phải theo, anh lại bảo điều kiện, nên người ta gọi là đánh bùn sang ao là thế - nghe có vẻ đúng nhưng không phải.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Nghiên cứu làm rõ tiêu chí của doanh nghiệp xã hội là gì?
Hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 200 doanh nghiệp hoạt động vì tính chất xã hội và chúng ta xem họ là doanh nghiệp xã hội. Nếu không quy định họ trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này thì điều kiện để thúc đẩy cho một hoạt động xã hội, gọi là doanh nghiệp xã hội, sẽ được quy định vào đâu và cơ sở gì để thúc đẩy cho nhóm doanh nghiệp xã hội này có thể hoạt động được?
Tại sao lại có loại doanh nghiệp gọi là doanh nghiệp xã hội? Ở đây có việc khi tổ chức của Nhà nước bắt đầu chuyển giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ đầu tư công, phúc lợi xã hội sang một cơ chế đặt hàng cho một khu vực khác, có thể là khu vực tư. Còn doanh nghiệp xã hội thì họ đang đứng giữa khu vực công và khu vực tư. Nếu họ vì mục tiêu xã hội thì Nhà nước có thể giao cho họ một số nhiệm vụ mang tính chất phúc lợi xã hội, họ đứng ở giữa khu vực công và khu vực tư, thực hiện một mục tiêu xã hội. Vì vậy, cần thiết phải quy định một loại hình gọi là doanh nghiệp xã hội trong Luật này để có cơ sở cho doanh nghiệp hoạt động.
Tôi đề nghị Điều 10, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có lẽ phải nghiên cứu để làm rõ mấy tiêu chí của doanh nghiệp xã hội. Một, doanh nghiệp xã hội phải hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp khác và sản phẩm, dịch vụ của họ phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thị trường, thế thì mới gọi là doanh nghiệp. Hai, mục tiêu của họ không vì lợi nhuận, lợi nhuận sẽ phân bổ theo kiểu khác, mà là mục tiêu xã hội. Ba, doanh nghiệp xã hội tái phân bổ lợi nhuận và lợi nhuận này được phân bổ trở lại cho tổ chức, cộng đồng, xã hội. Bốn, sở hữu của doanh nghiệp xã hội mang tính chất xã hội. Phải rất rõ về tiêu chí như vậy sẽ bớt tranh luận. Và đây là loại hình doanh nghiệp đứng giữa khu vực công và khu vực tư. Khu vực tư là hoàn toàn lợi nhuận, khu vực công là khu vực của doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ chúng ta bắt đầu chuyển sang cơ chế một số dự án của khu vực công không nhất thiết Nhà nước phải tổ chức thực hiện mà có thể giao đặt hàng cho khu vực khác tổ chức thực hiện, nó phù hợp với phân bổ lại phúc lợi xã hội.
Trên cơ sở thống nhất về loại hình doanh nghiệp xã hội như vậy có thể xem xét để đưa ra khung nguyên tắc một số chính sách ban đầu để hỗ trợ các doanh nghiệp này trong giai đoạn ban đầu có thể vận hành, định hình được loại hình doanh nghiệp xã hội. Như vậy, cần phải quy định lại Điều 10 theo hướng làm rõ tiêu chí và có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xã hội trong giai đoạn ban đầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Làm luật nên nhận phần khó khăn về mình
Tôi thấy ý kiến của Chủ tịch QH rất đúng. Bây giờ trong đầu tư kinh doanh không nên dùng điều kiện, vì điều kiện bao hàm cả hạn chế, có thể người ta hiểu như cơ quan soạn thảo giải thích ở đây là điều kiện không hạn chế và điều kiện hạn chế, những gì hạn chế phải quy định trong luật, không thể để nơi khác được, trong Luật Đầu tư phải quy định. Tôi đề nghị thay vào chỗ điều kiện bằng từ hạn chế. Vì tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp cho phép hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong một số trường hợp thật cần thiết bằng luật vì lý do quốc phòng, an ninh, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Như vậy, trong 4 trường hợp này ta có thể hạn chế, nhưng phải bảo đảm vì những lý do nêu trên. Điều kiện ở đây không xếp nó vào lý do nào. Đề nghị nên quy định hạn chế để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, theo đó sẽ xác định được cái gì cần phải hạn chế và cái gì để cho tự do kinh doanh. Nếu không thì thành ra nói quyền tự do kinh doanh nhưng khi làm thủ tục là vướng vào điều kiện này, điều kiện khác thì làm sao mà tự do kinh doanh được.
Có nhiều ý kiến cho rằng trong luật chỉ quy định nguyên tắc, chứ bây giờ quy định cụ thể trong luật thì sẽ rất công phu, rất phức tạp, rất khó khăn. Tôi đề nghị ta làm luật nên nhận phần khó khăn về mình, quy định trong luật này để người nào kinh doanh họ dở luật ra là thấy được, biết được ngay cái nào là cấm, cái nào hạn chế. Nếu ta quy định mang tính nguyên tắc thì luật này có thể thông qua nhanh, nhưng nhân dân khi đụng đến kinh doanh sẽ phải lục hết luật này, luật khác - rất khó khăn. Bây giờ chúng ta đã làm đến giai đoạn này rồi, tôi đề nghị nên quyết tâm.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng: Phải mạnh dạn bỏ hết những nội dung giao cho Chính phủ, các cơ quan Nhà nước quy định về ngành, nghề bị cấm đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này phải có cách tiếp cận mới để thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp, nhất là quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân... được tự do đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Theo tôi, cần phải thực hiện quyết liệt theo phương án quy định rõ và đầy đủ những lĩnh vực đầu tư, kinh doanh mà luật cấm hoặc có điều kiện. Đề nghị thống nhất quan điểm này để giao cho Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn chỉnh, trình UBTVQH cho ý kiến và hoàn thiện để trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Nếu chưa quy định được thật đầy đủ các lĩnh vực này thì có thể kéo dài sang kỳ họp sau. Tôi thấy 2 dự thảo Luật đều thể hiện quan điểm được tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm. 2 dự thảo Luật này có nhiều quy định dẫn chiếu nhau. Vì thế, đề nghị phải bàn kỹ, bàn sâu và ghi rất rõ danh mục những ngành, nghề mà Luật Đầu tư cấm hoặc có điều kiện. Đặc biệt trong Luật Đầu tư, phải mạnh dạn bỏ hết những nội dung giao cho Chính phủ, các cơ quan Nhà nước quy định về ngành, nghề bị cấm đầu tư và ngành, nghề đầu tư có điều kiện.
Về Luật Doanh nghiệp tôi xin tham gia mấy ý:
Thứ nhất, về quản lý, tôi đồng ý cần phải thể hiện cho được doanh nghiệp xã hội. Bởi vì hiện nay, có một số doanh nghiệp có nguồn kinh phí rất lớn, dồi dào, họ rất muốn đầu tư cho xã hội, đầu tư để giải quyết công ăn việc làm, đầu tư cho những vùng khó khăn, phù hợp với quan điểm của chúng ta từ trước đến nay là giúp người nghèo, người khó khăn là giúp cần câu chứ không nên giúp con cá. Các doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư thì Nhà nước cần tạo cơ hội cho họ đầu tư. Nếu e ngại doanh nghiệp lợi dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước cho doanh nghiệp xã hội để trục lợi thì chúng ta có thể xử lý bằng cách có chế tài và tăng cường trách nhiệm giám sát.
Thứ hai, khoản 1, Điều 7 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành không cấm. Tôi đồng tình quy định này, như vậy có nghĩa là, doanh nghiệp không nhất thiết phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh. Tôi trao đổi với các doanh nghiệp người ta cũng rất mừng, quy định mở như thế này là tốt và thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà quản lý chắc chắn sẽ băn khoăn, lo lắng, khâu hậu kiểm sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cũng cần phải tính toán thế nào cho thật sự hài hòa để trong quá trình quy định hậu kiểm, cần phải có cách thức như thế nào đó quy định trong luật, ví dụ, thời gian bao lâu phải báo cáo với các đơn vị chủ quản hoặc chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở hoặc trụ sở thuế nơi doanh nghiệp kê khai. Tôi nghĩ cần quy định chế tài ngay trong luật. Từ những quy định mở như thế này thì cũng không loại trừ có những doanh nghiệp năng lực không có, trong thực hiện quá trình cạnh tranh có thể vì lợi nhuận họ tham gia một hoạt động nào đó một lần rồi nghỉ. Như vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư có bài bản, đầu tư lành mạnh, đặc biệt là những nhà đầu tư làm ăn chân chính. Bởi vì đối với những ngành, nghề pháp luật không cấm, họ thấy việc này đầu tư có lợi thì mở ra, tập trung sản xuất làm một vụ việc xong là ngừng, như vậy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tôi nghĩ, việc mở là rất cần thiết song cần phải phù hợp với điều kiện kinh doanh của nước ta và quan trọng hơn là môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh. Như vậy mới bảo đảm thu hút các nhà đầu tư và duy trì được hoạt động kinh doanh lành mạnh.