Quy trình sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc: Quy trình sửa đổi
Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho đến nay, Trung Quốc đã có 4 bản Hiến pháp, đó là: Hiến pháp năm 1954, Hiến pháp năm 1975, Hiến pháp năm 1978 và Hiến pháp năm 1982. Hiến pháp hiện hành của Trung Quốc được Quốc hội thông qua ngày 4.2.1982 và có hiệu lực thi hành từ ngày 4.12.1982; sau đó, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004.

Hiến pháp 1982 là bản Hiến pháp thể chế hóa tư tưởng và quyết tâm của Đặng Tiểu Bình muốn đặt nền móng vững chắc lâu dài cho sự ổn định và hiện đại hóa đất nước. Bản Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm phát triển Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc; là đạo luật cơ bản mang đặc sắc Trung Quốc. Hiến pháp 1982 quy định rõ ràng chế độ chính trị (các điều 1, 2, 3 và 4); chế độ kinh tế (các điều từ 6 đến 18); sự nghiệp văn hóa, khoa học, giáo dục (các điều 19, 20, 21, 22 và 23); quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (các điều từ 33 đến 56); tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương (Chương III)… Bản Hiến pháp năm 1982 dùng hình thức pháp luật xác nhận thành quả đấu tranh của nhân dân các dân tộc Trung Quốc; quy định chế độ và nhiệm vụ căn bản của nhà nước, là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Vì vậy, trong Lời mở đầu của Hiến pháp có ghi: “Nhân dân các dân tộc trong cả nước, tất cả các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các chính đảng và đoàn thể xã hội, các tổ chức sự nghiệp, các doanh nghiệp đều phải lấy Hiến pháp làm tiêu chuẩn xử sự căn bản trong hoạt động của mình và có trách nhiệm bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được thi hành”.
Quy trình lập hiến của Trung Quốc được Hiến pháp năm 1982 quy định tại Điều 64 như sau: “Việc sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hoặc 1/5 đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc trở lên đề xuất và do 2/3 tổng số đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc trở lên biểu quyết thông qua”.
Tuy Hiến pháp quy định thủ tục sửa đổi và thông qua Hiến pháp theo quy trình khá đơn giản, đó là cơ quan có sáng quyền sửa đổi Hiến pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hoặc 1/5 số đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc trở lên và đề xuất sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua nếu có được sự ủng hộ của 2/3 tổng số đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nhưng trên thực tế việc đưa ra chủ trương và quy trình thực hiện sửa đổi Hiến pháp không đơn giản như quy định trong Hiến pháp. Việc xem xét, thông qua Hiến pháp năm 1982 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2004) là một thí dụ.
Trước hết, chủ trương sửa đổi Hiến pháp được bắt đầu từ Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Ngày 27.3.2003, các chủ trương và nguyên tắc chung về sửa đổi Hiến pháp được đưa ra xem xét, thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban thường trực Bộ Chính trị thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lúc đó, đồng chí Ngô Bang Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc được bổ nhiệm là người đứng đầu Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp.
Sau khi tham khảo ý kiến của các đảng phái, Bộ Chính trị cho chủ trương để các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện.
Trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tháng 4.2003 chính quyền các cấp nêu đề xuất về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, vào tháng 5, tháng 6.2003 bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần một được hoàn tất, sau khi tiếp thu ý kiến của chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành ở trung ương và những người có trách nhiệm tại các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Ngày 28.8.2003, lãnh đạo các Ủy ban Trung ương thuộc các đảng ngoài Đảng Cộng sản và đại diện nhân dân không thuộc đảng phái nào tham gia ý kiến về nội dung dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại cuộc họp do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trì.
Sau khi có ý kiến của các đảng phái, ngày 12.9.2003 các nhà lý luận, chuyên gia pháp lý và các chuyên gia kinh tế tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp do chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc kiêm chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp chủ trì.
Trước ngày 11.10.2003, hoàn thiện dự thảo lần một của bản Hiến pháp trước khi đưa thảo luận tại phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ ngày 11 - 14.10.2003, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp và thông qua bản dự thảo.
Ngày 22.12.2003, dự thảo Hiến pháp được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ ngày 22 - 27.12.2003, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc họp để xem xét, thông qua bản dự thảo Hiến pháp theo đề nghị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 8.3.2004, tại phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, sau khi nghe Ủy ban sửa đổi Hiến pháp giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước, các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho thêm ý kiến để Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Ngày 14.3.2004, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín.