Quy trình sửa đổi 5 bước
Quy trình, thủ tục xem xét sửa đổi Hiến pháp được quy định từ điều 128 - 130 của bản Hiến pháp hiện hành (1987) với năm giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn thứ nhất, đề xuất sửa đổi. Theo Điều 128, khoản 1 của Hiến pháp 1987, chỉ có Tổng thống hoặc đa số thành viên Quốc hội mới có quyền trình đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Mục 3 của Điều 89 quy định dự thảo sửa đổi hiến pháp phải được đưa ra Hội đồng Nhà nước thảo luận và xem xét các đề xuất sửa đổi bản dự thảo trước khi trình dự thảo sửa đổi hiến pháp đó.
Giai đoạn thứ hai, thông báo cho công chúng. Theo Điều 129 của Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống phải công bố bản dự thảo đề xuất sửa đổi Hiến pháp ra công chúng trước ít nhất là 20 ngày. Yêu cầu công bố dự thảo sửa đổi là một quy trình không thể thiếu được để thông tin cho nhân dân về đề xuất sửa đổi hiến pháp và thiết lập sự đồng thuận của nhân dân về đề nghị xem xét sửa đổi hiến pháp thông qua việc thông tin, truyền thông tự do của người dân Hàn Quốc. Việc công bố dự thảo trước công chúng một cách minh bạch và trọn vẹn là rất quan trọng bởi lẽ cần phải có sự minh bạch và liêm chính thì mới xây dựng được và duy trì lòng tin của nhân dân cũng như chống lại các nguy cơ bị thao túng. Một nhiệm vụ quan trọng khi thông báo rộng rãi cho công chúng là đưa nhân dân tham gia tích cực vào quá trình này để thúc đẩy sự hòa giải giữa các nhóm trước đây xung đột nhau mà các lực lượng tinh hoa chính trị cầm quyền không thể dễ dàng điều hòa được. Một trong những chức năng quan trọng của hiến pháp là quá trình xây dựng và sửa đổi văn kiện chính trị - pháp lý này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng sự đồng thuận quốc gia.
Giai đoạn thứ ba, Quốc hội thông qua đề xuất sửa đổi. Theo khoản 1, Điều 130 của Hiến pháp Hàn Quốc, đề xuất sửa đổi hiến pháp phải được Quốc hội thông qua trong vòng 60 ngày kể từ khi công bố trước công chúng với số phiếu phải trên 2/3 của tổng số nghị sĩ Quốc hội. Đây là số lượng phiếu quy định cao nhất trong Hiến pháp khi Quốc hội biểu quyết thông qua một vấn đề hay đạo luật nào đó. Lá phiếu này được quy định không được là phiếu kín mà là phiếu viết tay để xác định rõ trách nhiệm của người bỏ lá phiếu. Khi Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết, đề xuất sửa đổi hiến pháp không được có bất kỳ sự thay đổi nào so với bản đã được công bố trước công chúng bởi vì bất kỳ sự thay đổi nào đối với đề xuất sửa đổi hiến pháp cũng có nghĩa là Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết về một đề xuất sửa đổi hiến pháp mà dân chúng chưa được biết, như vậy là vi hiến.
Giai đoạn thứ tư, trưng cầu dân ý toàn quốc. Theo khoản 2, Điều 130 của Hiến pháp Hàn Quốc, sau khi đề xuất sửa đổi hiến pháp được Quốc hội thông qua, đề xuất sửa đổi hiến pháp đó phải được đưa ra toàn dân phúc quyết trong vòng 30 ngày tại một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Cuối cùng, đề xuất sửa đổi chính thức sẽ có hiệu lực nếu nhận được hơn tổng số phiếu thu được trong cuộc trưng cầu dân ý với điều kiện phải có hơn số cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu. Nếu có trên 100.000 cử tri hợp lệ đặt nghi vấn về hiệu lực pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý, những người này có thể đâm đơn kiện Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia ra Tòa án Tối cao trong vòng 20 ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc (Điều 92 của Luật Trưng cầu dân ý của Hàn Quốc). Nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết là tất cả hoặc một số phiếu bầu không hợp lệ thì sẽ phải bỏ phiếu lại (Điều 97 của Luật Trưng cầu dân ý của Hàn Quốc). Đến giai đoạn này, mặc dù quá trình phúc quyết của nhân dân là phức tạp và các cơ chế để đi đến đồng thuận là hạn chế, nhưng cuối cùng khi có được đồng thuận, sự đồng thuận đó sẽ có được tính chính đáng và hiệu lực pháp lý lâu dài hơn bất kỳ một sự mặc cả hay thỏa hiệp nào của giới lãnh đạo chính trị.
Giai đoạn thứ năm, Tổng thống ban hành điều khoản sửa đổi Hiến pháp. Theo khoản 3 của Điều 130, Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống phải ban hành điều khoản sửa đổi hiến pháp ngay mà không được chậm trễ sau khi đã được cuộc trưng cầu dân ý thông qua. Thời hạn Tổng thống ban hành điều khoản sửa đổi hiến pháp thường được quy định trong phần phụ lục của hiến pháp. Nếu không có điều khoản nào trong phần phụ lục của hiến pháp nói về thời hạn ban hành thì theo truyền thống, điều khoản sửa đổi hiến pháp sẽ có hiệu lực ngay vào ngày ban hành. Đối với bản Hiến pháp hiện tại của Hàn Quốc, mặc dù được toàn dân phúc quyết thông qua và được ban hành vào ngày 9.10.1987 nhưng Điều 1 của Phụ lục Hiến pháp quy định bản hiến pháp sửa đổi có hiệu lực vào ngày 25.2.1988.
Tóm lại, Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ nhất của Hàn Quốc được xây dựng năm 1948 và trải qua các thời kỳ khác nhau đã được sửa đổi tổng cộng 9 lần với 5 lần sửa đổi căn bản, từ chỗ áp dụng chế độ cộng hòa tổng thống sang chế độ đại nghị, rồi lại quay lại chế độ Tổng thống, từ chế độ Quốc hội một viện sang lưỡng viện rồi lại quay lại chế độ một viện, từ chỗ chưa có tài phán hiến pháp đến áp dụng cơ chế tài phán hiến pháp, từ chỗ nhiệm kỳ tổng thống 5 năm thành 7 năm, từ chỗ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đến không giới hạn nhiệm kỳ rồi đến giới hạn chỉ 1 nhiệm kỳ, từ chỗ bầu cử tổng thống gián tiếp sang bầu trực tiếp… Quy trình, thủ tục xem xét sửa đổi hiến pháp của Hàn Quốc cũng nhiều lần thay đổi. Hai bản Hiến pháp đầu tiên năm 1948 và 1960, việc sửa đổi hiến pháp không cần thông qua thủ tục trưng cầu dân ý mà chỉ cần số phiếu của 2/3 nghị sĩ Quốc hội là đề xuất sửa đổi hiến pháp có hiệu lực. Hiến pháp năm 1962 áp dụng thủ tục trưng cầu dân ý bắt buộc đối với đề xuất sửa đổi hiến pháp sau khi Quốc hội đã thông qua. Hiến pháp năm 1972 quy định hai quy trình sửa đổi hiến pháp khác nhau: (1) nếu Tổng thống là người trình đề xuất sửa đổi hiến pháp thì cuối cùng đề xuất sửa đổi đó phải được đưa ra toàn dân phúc quyết trong cuộc trưng cầu dân ý; (2) nếu đề xuất sửa đổi hiến pháp do các nghị sĩ Quốc hội đưa ra, cuối cùng đề xuất đó phải được sự phê chuẩn của một cơ quan đặc biệt được gọi tên là “Hội nghị Nhân dân Tái thống nhất”. Đến Hiến pháp 1980, quy trình, thủ tục sửa đổi hiến pháp lại được điều chỉnh lại, chỉ còn một quy trình thống nhất duy nhất như trong hiến pháp hiện nay.