Quy trình chính sách và vai trò, năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội

- Thứ Tư, 11/11/2020, 12:27 - Chia sẻ
Sáng 11.11, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức Hội thảo bàn về quy trình chính sách và vai trò, năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS Lê Hải Đường chủ trì hội thảo. 

Theo các đại biểu, chính sách công có liên quan trực tiếp đến tính đáp ứng, tính đại diện, tính trách nhiệm, tính đáng tin cậy và tính hiệu quả của quản trị nhà nước. Do đó, làm thế nào để bảo đảm chất lượng chính sách công là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn luôn được quan tâm.

Hội thảo Bàn về quy trình chính sách và vai trò, năng lực hoạch định chính sách của ĐBQH ở Việt Nam

Ở nước ta, Quốc hội và đại biểu Quốc hội có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong chu trình chính sách công nói chung và trong quá trình hoạch định chính sách công nói riêng. Quốc hội và đại biểu Quốc hội vừa có vai trò hoạch định chính sách, vừa có vai trò giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật. Có thể nói rằng, chất lượng chính sách và hiệu quả thực thi chính sách phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện vai trò hoạch định chính sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Trong đó đại biểu Quốc hội là chủ thể hết sức quan trọng. 

Để góp phần nâng cao chất lượng chính sách công, các đại biểu nêu rõ, đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình như phát huy tốt hơn nữa vai trò và chức năng thiết lập nghị trình chính sách; phát huy tốt vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội đối với việc thực thi chính sách trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết và giám sát các văn bản quy phạm pháp luật; chủ động trong xây dựng phương án chính sách và thẩm tra dự thảo chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội. Đề cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi thẩm tra, thảo luận và thông qua dự thảo chính sách, pháp luật… Nhìn tổng thể, cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội theo hướng nhấn mạnh chức năng xây dựng pháp luật và tăng cường tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nghe các tham luận về mối quan hệ giữa quy trình chính sách và quy trình lập pháp ở Việt Nam, hai mô hình điển hình của hoạch định chính sách công và một số gợi mở; quy trình lập pháp và quy trình chính sách ở Việt Nam; quy trình hoạch định chính sách và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực chính sách của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện mô hình đánh giá chính sách công; thực trạng đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng luật ở nước ta và một số đề xuất, kiến nghị; khung phân tích năng lực chính sách một số cơ sở lý luận về năng lực chính sách; bàn về năng lực chính sách của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay.

Hoàng Ngọc