Quy trách nhiệm giải ngân chậm

- Thứ Ba, 03/11/2020, 08:02 - Chia sẻ
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) cả nước mới đạt bằng 30,15% kế hoạch (18.089 tỷ đồng/60.000 tỷ đồng) trong khi đây được xem là nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Thực tế này khiến Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định rõ những vướng mắc để đưa ra các giải pháp hành động, thậm chí là “thay cán bộ không biết làm việc, tiêu cực, lợi ích nhóm”.

Có nhiều lý do kìm hãm tiến độ giải ngân như dịch bệnh Covid-19, việc đền bù giải tỏa không đạt tiến độ kéo theo thi công bị chậm trễ, do đó giải ngân ODA chậm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như thủ tục đầu tư, vướng mắc về thủ tục giải ngân, rút vốn; kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu vốn so với nhu cầu và phân bổ chậm; đặc biệt là việc điều chỉnh kế hoạch vốn cứng nhắc, không thể điều chỉnh vốn từ dự án thừa vốn sang dự án thiếu vốn. Và tất nhiên, không thể thiếu "virus" trì trệ, thiếu trách nhiệm của những cán bộ được giao nhiệm vụ, giao quyền trong vấn đề này.

Thực tế, không riêng gì năm nay mà những năm gần đây, vấn đề giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cũng chậm. Tỷ lệ này trong năm 2017 đạt 68,3%, năm 2018 là 43% và hết năm 2019 chỉ đạt 39,89% kế hoạch. Trong 10 tháng năm 2020, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp. Bộ Giao thông Vận tải có mức giải ngân cao nhất cũng chỉ 44,8%. Hiện đã có 8 bộ có văn bản chính thức xin hoàn trả vốn ODA với con số lên tới 3.700 tỷ đồng, tương đương 32% dự toán được giao.

Chính phủ đã xác định rất rõ, việc chậm giải ngân dẫn đến hệ quả trực tiếp là tạo nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế, kéo lùi các dự án, dòng vốn đối ứng của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Những vướng mắc không giải quyết được, song cũng không thể quy trách nhiệm cho ai và cuối cùng lại đợi xin ý kiến Chính phủ. Trong khi đó, việc chậm trễ gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn còn, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên…

Từ năm 2021, khi Việt Nam bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ưu đãi này sẽ không còn nữa. Do đó, việc không triển khai vốn đã phân bổ không chỉ gây lãng phí về thời gian mà còn cả nguồn lực do không tận dụng được hết cơ hội cuối cùng sử dụng vốn ODA. Tất nhiên, ODA không phải là tiền nước ngoài cho không, mà là tiền đi vay. Nhưng nếu bây giờ không làm, thì gánh nặng ấy sẽ trút sang vai con cháu chúng ta sau này. Thật vô lý khi có tiền mà không tiêu được, trong khi đất nước cần nguồn lực để phát triển thì tiền vẫn đọng lại nhiều nơi, thậm chí là xin trả lại.

Từ nay tới hết năm, chỉ còn 2 tháng, hơn lúc nào, cần có một kế hoạch tăng tốc cho 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021. Lượng vốn còn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch. Chỉ khi các bộ ngành, địa phương coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân là nhiệm vụ chính trị với tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm”, “dám đổi mới” thì khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và ODA mới có thể về đích an toàn, hiệu quả.

Chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm là thông điệp Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp gần đây. Do vậy, cần cương quyết thay thế những cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Duy Anh