Quy tắc ứng xử chưa chuyển tải hiệu quả
Trước đó, cũng đã có không ít vụ việc tương tự xảy ra, không chỉ học sinh cãi lại thầy cô mà ngược lại thầy cô cũng có những hành xử chưa đúng mực với học trò khiến dư luận lo lắng về năng lực nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, còn giáo viên thì lo lắng về việc học sinh trong lớp cứ vô tư cầm điện thoại ghi hình tất cả những vụ việc để đăng tải lên mạng xã hội và gây hại cho chính bạn bè mình, tạo thêm các áp lực thách thức cho các thầy cô trên hành trình “trồng người”.
Mới đây, hội đồng kỷ luật của Nhà trường đã ra quyết định đình chỉ học một tuần với nữ sinh đấu khẩu với thầy giáo. Nam giáo viên cũng đã thể hiện mong muốn dư luận chia sẻ để nữ sinh có cơ hội sửa sai.
Mặc dù vụ việc có thể đã khép lại, nhưng vấn đề cần nói ở đây là chúng ta học được bài học gì và chúng ta làm thế nào để ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra tiếp theo ngay sau đây.
Rõ ràng là chúng ta cũng đã có thông tư 06/2019 quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục cũng đã xây dựng theo hướng dẫn xây dựng những nguyên tắc ứng xử chung, và quy tắc ứng xử riêng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học và cha mẹ người học nhưng về cơ bản những quy tắc ứng xử học đường mới chỉ được thể hiện trên văn bản chứ không được Nhà trường tổ chức chuyển tải vào các hoạt động giảng dạy, học tập và sinh hoạt trong nhà trường một cách hiệu quả.
Qua một số vụ việc lùm xùm xảy ra gần đây cho thấy chính cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cũng chưa ứng xử theo nguyên tắc. Do vậy, tư tưởng “Tiên học lễ, hậu học văn” cần tiếp tục được củng cố. Chỉ khi chúng ta có trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, phụ huynh hành xử đúng vai phụ huynh.
Khi quy tắc ứng xử được chuyển hóa vào cuộc sống, tất cả mọi người thực hiện đúng vai và chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì những sự việc tương tự thế này sẽ không xảy ra.
Thứ hai, với tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, những người thầy cũng cần kiểm điểm lại hành vi của mình. Thầy đã thực sự hiểu đặc điểm tâm lý của trò ở lứa tuổi này chưa? Thầy đã thực sự áp dụng đúng các nguyên tắc của kỷ luật tích cực hay chưa?
Kể cả đoạn video clip dài 5 phút mà chúng ta xem trên mạng cũng mới chỉ là lát cắt nhỏ trong tiến trình lịch sử mối quan hệ giữa thầy và trò. Nếu trong quá khứ thầy chưa thực sự áp dụng đúng các nguyên tắc của kỷ luật tích cực mà chỉ áp dụng kỷ luật truyền thống, nguyên tắc một cách khô lạnh, thiếu thấu cảm thì tất yếu sẽ dẫn đến việc học trò cảm thấy bất công và có hành động đáp trả.
Nếu trong quá khứ thầy đã từng nhéo tai, có những lời chưa thực sự tôn trọng học trò thì hành động ngày hôm nay trong clip chỉ là một biểu hiện của sự “trả đũa” của những đứa trẻ với tâm lý của tuổi dậy thì dễ nhạy cảm, dễ nổi giận bất ngờ. Những đứa trẻ đang trong giai đoạn có nhu cầu độc lập và muốn thể hiện cá tính của bản thân bằng cách cãi lại hoặc phản ứng mạnh với những khó khăn.
Giáo viên cần rút khỏi vòng luẩn quẩn
Là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm, liệu các thầy cô có tự tin nói rằng mình đã làm đúng theo các nguyên tắc ứng xử sư phạm. Liệu chúng ta có nhận ra được mục đích đằng sau hành vi ứng xử sai của học sinh ở đây thuộc dạng tìm kiếm sự chú ý, chứng tỏ quyền lực, thể hiện sự bất lực buông xuôi hay là loại hành vi nhằm trả đũa…
Với loại hành vi ứng xử sai như một cách thức để “gỡ hòa” với thầy, liệu chúng ta có nhớ và vận dụng những nguyên tắc cơ bản là kiên nhẫn, duy trì sự thân thiện để trẻ nguôi và điều hướng sự chú ý của cả lớp vào hoạt động cần làm.
Giáo viên cần rút khỏi vòng luẩn quẩn “trả miếng” lẫn nhau trước đông người sang một không gian riêng. Đưa ra những đề nghị và khuyến khích hợp tác giải quyết vấn đề.
Trong tình huống cụ thể này, giáo viên đơn giản chỉ cần nói cho trẻ biết cảm xúc là mình cảm thấy buồn, cảm thấy tổn thương, cảm thấy đau lòng khi nghe những lời nói không phù hợp của học sinh.
Chỉ cần như vậy thôi nhưng cũng sẽ làm gợi lên những “suy nghĩ đạo đức” và sự cân nhắc hối lỗi ở học sinh và cũng là cách thức để dạy cho học sinh cách kiểm soát cảm xúc.
Thầy có thể nói: Thầy nhận ra là trò đang rất tức giận, nhưng thầy cũng rất đau lòng khi nghe những từ như vậy. Tất nhiên không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi bộc lộ ra những cảm xúc của mình ra.
Tuy nhiên, với những người đã chọn trở thành giáo viên, chúng ta cần phải rèn luyện thói quen ứng xử phù hợp và khoa học để giáo dục người học.
Về lâu dài, những học sinh có hành vi ứng xử sai nên được nhìn nhận như việc các em thiếu các kỹ năng cần thiết. Đó là kỹ năng giao tiếp thân thiện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc.
Chính vì vậy, giáo viên và nhà trường nên cung cấp thêm cho học sinh các cơ hội để học thêm các kỹ năng này chứ không phải là đặt học sinh này trong một chế độ theo dõi giám sát hành vi như một hình phạt.
Nguyên tắc ứng xử an toàn trên mạng cần đi vào thực chất
Có một điều lạ là trong những thời gian gần đây, rất nhiều xích mích, xung đột nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống luôn được các cá nhân ghi hình và lan truyền trên mạng. Học sinh trong các tình huống “bất bình” dường như không thực hiện hành động bảo vệ lẽ phải mà lại vô cảm ghi hình và tung lên mạng xã hội để thu hút sự chú ý như một người hoàn toàn không liên quan đến tập thể đó.
Điều này cho thấy việc giáo dục về các nguyên tắc ứng xử an toàn trên mạng xã hội cần tiếp tục được tiến hành một cách thực chất tại các trường. Các em cần hiểu các quy tắc tôn trọng, an toàn, lành mạnh và trách nhiệm khi lên mạng xã hội. Đặc biệt là quy tắc lành mạnh.
Bên cạnh việc ứng xử trên mạng phù hợp với các giá trị đạo đức văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam thì cũng cần phải cân nhắc đưa các nội dung lành mạnh lên mạng xã hội thay cho các nội dung không lành mạnh.
Trước khi đăng bất kỳ một nội dung nào lên mạng xã hội cũng cần cân nhắc xem nội dung đó có ảnh hưởng hoặc hủy hoại danh tiếng của em hay những người có liên quan hay không. Nội dung được đăng lên có khiến em gặp rắc rối với cha mẹ, thầy cô hoặc luật pháp hay không. Những nội dung được đăng có gây hại cho các cơ hội trong tương lai của em hoặc của những người khác hay không.
Một bài học nữa chúng ta cũng có thể nhận ra qua câu chuyện cụ thể này. Đó là giáo dục đang chuyển trọng tâm hơn từ dạy chữ sang dạy người, và vì thế chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại việc đánh giá kết quả “dạy người” ở học sinh.
Ví dụ như yêu cầu cần đạt trong chương trình của học sinh ngay từ bậc Tiểu học đã nêu: Học sinh đạt các yêu cầu về phẩm chất như yêu quý bạn bè, kính trọng thầy cô, biết động viên khích lệ bạn bè; có khả năng nhận biết và bày tỏ cảm xúc của bản thân và chia sẻ tình cảm với người khác; biết điều chỉnh hóa giải các mâu thuẫn phát sinh; biết thể hiện thái độ không đồng tình với những hành vi sai...
Nhưng trong trường hợp điển hình này cũng như rất nhiều trường hợp tương tự khác, các em học sinh cấp 3 rõ ràng cũng chưa đạt được các yêu cầu cần đạt của CTGDPT cấp 1 thì sao? Liệu chúng ta có đảm bảo được với xã hội rằng những em học sinh nhận bằng tốt nghiệp các cấp đều đạt được các chuẩn đầu ra, các yêu cầu cần đạt về thái độ, phẩm chất, năng lực tự chủ và trách nhiệm như đã công bố.
Và như vậy, liệu rằng chúng ta có đang quá buông lỏng việc đánh giá các yêu cầu cần đạt về “dạy người” theo từng cấp học hay không? Liệu những cách thức chúng ta đang đánh giá về thái độ phẩm chất là không đủ độ tin cậy khi về cơ bản tất cả học sinh của chúng ta có thành tích học tập khá giỏi đều có hạnh kiểm tốt.
Trong rất nhiều năm, chưa bao giờ có học sinh nào “đúp” chỉ vì không đạt chuẩn/yêu cầu cần đạt về thái độ, phẩm chất, hạnh kiểm hay năng lực tự chủ trách nhiệm cả.
Cũng trong nhiều năm phổ điểm môn Giáo dục công dân cũng rất cao nhưng trên thực tế thì rất nhiều hành vi lệch chuẩn, hỗn hào với thầy cô, bạo lực với bạn bè vẫn luôn xuất hiện thậm chí ở trong nhóm những bạn học sinh có thành tích điểm thi Giáo dục công dân cao.
Bài học cần rút ra
Một sự việc cụ thể có thể chúng ta sẽ quên. Nhưng điều quan trọng là chúng ta diễn giải như thế nào về sự kiện đó. Chúng ta rút ra được bài học gì.
Cá nhân tôi qua sự kiện này tự rút ra một số bài học.
Thứ nhất, với đội ngũ giáo viên, cần mạnh mẽ đưa nội dung giáo dục kỷ luật tích cực và trải nghiệm quản lý lớp học tích cực vào nhà trường một cách thực chất.
Thứ hai, từng cơ sở giáo dục cần nghiêm túc nghiên cứu thông tư 06 để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong nhà trường phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và cơ sở. Nhưng quan trọng hơn là khi đã có bộ quy tắc ứng xử, cần có kế hoạch triển khai để chuyển tải những nội dung của quy tắc ứng xử vào mọi hoạt động dạy học và sinh hoạt tại trường.
Thứ ba, cần tăng cường đưa các nội dung giáo dục kỹ năng sống an toàn trên mạng xã hội, năng lực công dân số vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa của học sinh ngay từ cấp tiểu học và THCS để trang bị cho các em các kỹ năng tư duy phản biện khi ứng xử với thông tin trên mạng và chia sẻ thông tin lên mạng xã hội một cách an toàn.
Thứ tư, cần nghiên cứu để có những phương pháp và công cụ đánh giá chính xác hơn chuẩn đầu ra/ yêu cầu cần đạt của học sinh các cấp về khía cạnh thái độ, phẩm chất, năng lực tự chủ và trách nhiệm.
Việc đánh giá thái độ, phẩm chất đạo đức sẽ không thể toàn diện nếu chỉ dựa trên các bài kiểm tra trắc nghiệm hay tự luận mà phải thực hiện qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng và trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày.
Người đánh giá sẽ không thể chỉ giới hạn ở giáo viên mà phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường, bạn học và xã hội… kết hợp giữa việc tự đánh giá với đánh giá từ những người khác. Khi kết quả đánh giá không đạt, phải có những phương thức hỗ trợ để người học tiếp tục rèn luyện đạt chuẩn đầu ra của bậc học.
PGS.TS. Trần Thành Nam nhận bằng Tiến sĩ loại xuất sắc, chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng tại Trường Đại học Tổng hợp Vanderbilt – Hoa Kỳ. Hiện ông là Chủ nhiệm Khoa Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN (9/2015 – nay).