Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào đời sống

Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ Ba, 13/10/2020, 16:14 - Chia sẻ
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 được kỳ vọng góp phần phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra. Tuy nhiên, để Luật này đi vào cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Trong đó, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu có như vậy, những quy định mang tính đột phá của Luật mới phát huy được hiệu quả và đi vào đời sống.

Quản lý rượu thủ công vẫn là bài toán khó

Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP. Chi phí xử lý 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gồm: Ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày … là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.

Nhằm đưa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống, ngày 30.12.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” với nhiều điểm mới thay thế Nghị định 46/2016 NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Đáng chú ý, Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Thực tế, trong thời gian qua để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019, các Bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông, nhờ đó tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều. Đặc biệt, tình trạng ép mời rượu, bia khi lái xe đã có những chuyển biến tích cực cho thấy luật đang đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ dựa vào việc xử phạt cao hơn đối với người sử dụng thôi thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi thực tế cho thấy, việc quản lý rượu thủ công hiện nay vẫn là bài toán khó, chưa được giải quyết triệt để dù Luật và các Nghị định mới đều có các quy định về kê khai sản lượng, bảo đảm về mặt chất lượng và không được đưa sản phẩm kinh doanh trực tiếp. Theo quy định, các hộ gia đình nấu rượu thủ công phải bán lại cho doanh nghiệp chế biến, còn nếu muốn bán phải có đăng ký kinh doanh. Song, đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý, theo thống kê của ngành y tế hiện nay, chúng ta tiêu thụ rượu thủ công hơn 200 triệu lít/năm và chủ yếu tiêu dùng qua kênh trực tiếp. 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cũng cho biết, Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ ngày 15.11.2020, thay thế Nghị định 176/NĐ-CP), trong đó có mức xử phạt với các quy định liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia có nhiều điểm mới tiến bộ. Cụ thể, Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm của chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong quản lý, thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia trong phạm vi địa bàn quản lý; Trách nhiệm quản lý rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hay không. . .

Cần phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu

Đánh giá về quy định trong Nghị định 117/NĐ-CP, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, chỉ khi quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu tại cơ sở mới có thể giải quyết triệt để những bất cập trong việc quản lý cũng như tiêu thụ rượu bia, rượu thủ công. Bởi, việc quản lý rượu thủ công vai trò của cấp cơ sở rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát kê khai chất lượng. Họ sẽ có trách nhiệm đến từng hộ gia đình, phát hướng dẫn, đôn đốc cách kê khai bảo đảm được quản lý sản lượng. Từ việc phân định trách nhiệm sẽ tránh sự buông lỏng, chồng chéo trong quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan”.

Đã rượu, bia không lái xe

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, để triển khai Luật phòng, chống rượu bia hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Theo đó, các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của rượu, bia, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, ngành và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật, nghị định của Chính phủ. Trong đó hình thức triển khai của từng Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tính quyết liệt và phù hợp với thực tế. Đặc biệt, cần đưa công tác phòng chống tác hại bia rượu vào trong nội quy, quy chế kèm chế tài xử lý ở các cơ quan, đơn vị như cấm uống bia, rượu trước, trong khi làm việc, cấm uống bia, rượu trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, cần ghi rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan nếu để cán bộ, công chức, viên chức của mình vi phạm cần phải có hình thức xử lý.

Nếu có thể đưa nhiệm vụ phòng chống bia, rượu vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thì sẽ gia tăng hiệu quả thực thi Luật.

Thái Yến