Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia và Hệ thống Quản lý Nhà nước về Dữ liệu: Tạo động lực, kiến tạo tương lai số
Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia và Hệ thống Quản lý Nhà nước về Dữ liệu chính thức ra mắt vào ngày 1/7/2025, đánh dấu bước tiến chiến lược của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Hệ sinh thái ngành công nghiệp dữ liệu dần hoàn thiện thúc đẩy kinh tế dữ liệu, đổi mới sáng tạo, và bảo đảm chủ quyền dữ liệu, hướng tới một Việt Nam số thịnh vượng.
Lực đẩy chiến lược thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp dữ liệu
Cùng với sự ra đời của Luật Dữ liệu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia được thành lập như một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, dưới sự quản lý của Bộ Công an.
Quỹ ra đời đánh dấu bước tiến chiến lược của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Đây là cầu nối quan trọng giữa tiềm lực khoa học và nhu cầu thị trường, góp phần hình thành nền kinh tế tri thức và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số.

Với ngân sách ban đầu 1.000 tỷ đồng và bảo đảm mức duy trì hằng năm, Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia một kênh cung cấp tài chính chính thức từ Chính phủ nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, chuỗi khối, internet vạn vật và các công nghệ trong xử lý dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội.
Sự khác biệt mang tính ưu việt so với các Quỹ đầu tư vào startup công nghệ trên thị trường, đó là Quỹ hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số ở các vùng nông thôn miền núi, những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và chưa có điều kiện trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sứ mệnh Quỹ hướng tới đó là phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, kết nối với các tổ chức, các hiệp hội và dữ liệu trong nước và quốc tế; Vinh danh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong ngành công nghiệp dữ liệu.
Quỹ sẽ hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, với các cơ chế cho vay ưu đãi, hỗ trợ chi phí, đầu tư và nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, Quỹ sẵn sàng tiếp nhận tài trợ, đóng góp từ mọi nguồn lực trong và ngoài nước, thể hiện sự chung tay của toàn xã hội vì một hạ tầng dữ liệu hiện đại, an toàn và hiệu quả. Quỹ được phép tiếp nhận các nguồn tài trợ, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân tới Trung tâm dữ liệu quốc gia thông qua tài khoản VND: 88888 hoặc USD: 55555 tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thanh Xuân, hoặc truy cập website ndf.gov.vn để biết thêm chi tiết.
Kiến tạo khung pháp lý vững chắc cho kỷ nguyên số
Cùng với với Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia là sự ra mắt của Hệ thống Quản lý Nhà nước về Dữ liệu. Theo Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho biết: Trên cơ sở Luật Dữ liệu vừa có hiệu lực, Trung tâm Dữ liệu quốc gia đã tập trung đầu tư, xây dựng và triển khai Hệ thống Quản lý Nhà nước về Dữ liệu. Mục tiêu của chúng tôi là muốn thiết lập một khung quản trị toàn diện, cho phép giám sát, điều phối và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong toàn bộ vòng đời dữ liệu – từ xây dựng, phát triển cho đến khai thác và sử dụng. Hệ thống này không chỉ hỗ trợ quản lý cấp phép các hoạt động kinh doanh dữ liệu, mà còn bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong mọi giao dịch dữ liệu giữa các tổ chức và cá nhân. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp các cơ quan quản lý hoạch định, tổ chức, giám sát và phát triển hiệu quả các hoạt động liên quan đến dữ liệu, từ đó góp phần hình thành một môi trường dữ liệu công khai, minh bạch và bền vững, phục vụ tối đa cho mục tiêu phát triển quốc gia số của chúng ta".

Theo đó, 5 nhiệm vụ chính yếu của Hệ thống Quản lý Nhà nước về Dữ liệu đó là: quản lý và giám sát toàn bộ các hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu. Đây là vai trò trung tâm, giúp chúng ta theo dõi, quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến dữ liệu, nhằm đảm bảo dữ liệu được vận hành an toàn, bảo mật và đúng quy định pháp luật thông qua việc quản lý chia sẻ dữ liệu công, dữ liệu mở, dữ liệu cốt lõi và tiếp nhận cảnh báo rủi ro kịp thời.
Bên cạnh đó là quản lý cấp phép sử dụng và kinh doanh dữ liệu cho các cá nhân, tổ chức, thực hiện toàn bộ quy trình cấp phép, đồng thời theo dõi báo cáo định kỳ về việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ dữ liệu. Các giấy phép được cấp trong hệ thống quản lý nhà nước về dữ liệu gồm: kinh doanh hoạt động Sàn dữ liệu; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; cung cấp sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; tham gia hoạt động thử nghiệm có kiểm soát; đánh giá tác động chuyển, xử lý dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng xuyên biên giới.
Hệ thống cũng sẽ quản lý các trường hợp phải cưỡng chế giải mã dữ liệu. Cụ thể, hệ thống Quản lý nhà nước về dữ liệu thực hiện nhiệm vụ quản lý và giám sát hoạt động cưỡng chế giải mã dữ liệu bảo đảm an ninh, trật tự và tuân thủ pháp luật về dữ liệu trong các trường hợp cần thiết, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự và tuân thủ pháp luật về dữ liệu. Việc tiếp nhận, xử lý đề nghị cưỡng chế và phê duyệt kết quả được thực hiện theo đúng thẩm quyền, bảo đảm minh bạch, có kiểm soát và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, Hệ thống còn quản lý công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dữ liệu, hỗ trợ toàn diện các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức, lưu trữ và theo dõi các tài liệu nghiệp vụ một cách hệ thống, minh bạch và thuận tiện.
Cuối cùng, Hệ thống có nhiệm vụ thẩm định, đánh giá các dự án đầu tư liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ đánh giá nhu cầu sử dụng dữ liệu và hạ tầng thông qua việc quản lý tập trung thông tin dự án.
Để từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý và bảo đảm kiểm soát hiệu quả các hoạt động liên quan đến dữ liệu, việc triển khai thí điểm hai nội dung trọng yếu. Đó là đánh giá tác động và phê duyệt hoạt động chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới nhằm kiểm soát rủi ro, bảo đảm an ninh dữ liệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập; và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động Sàn dữ liệu, góp phần thử nghiệm mô hình kinh doanh dữ liệu theo khuôn khổ pháp lý, hướng đến minh bạch, an toàn và phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh.
Với sự ra mắt của Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia và Hệ thống Quản lý Nhà nước về Dữ liệu, chắc chắn sẽ tạo nên một hệ sinh thái dữ liệu vững mạnh, minh bạch, là động lực quan trọng để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường chuyển đổi số, hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế số và xã hội số.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên mà dữ liệu không chỉ là nguyên liệu đầu vào của một ngành sản xuất mới - ngành công nghiệp dữ liệu mà còn là động lực thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ tuyệt vời cho một thế hệ các doanh nghiệp, doanh nhân công nghệ đang hình thành. Với sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, và toàn thể người dân, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai Việt Nam thịnh vượng hơn, thông minh hơn và an toàn hơn từ dữ liệu.
Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.