Quy hoạch sân bay phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 06:58 - Chia sẻ
Bình luận về việc nhiều tỉnh đề xuất bổ sung sân bay tại địa phương mình vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030, định hướng 2050, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ai cũng nói có lợi mới đề xuất nhưng nhìn tổng thế thì nguy cơ lãng phí rất lớn. "Quy hoạch sân bay phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng và công khai vì sao sân bay này được chấp nhận quy hoạch, sân bay kia không được…".
	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Nguy cơ lãng phí rất lớn

- Vừa qua, một loạt tỉnh đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay tại địa phương mình như Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình... Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Địa phương nào cũng nói có lợi mới đề xuất bổ sung quy hoạch nhưng nếu nhìn tổng thể thì nguy cơ lãng phí rất lớn. 

Trong tổng số 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác, đến nay chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, còn lại là lỗ nặng. Vậy nếu đồng ý với đề xuất của các địa phương thì phải tính toán xem sân bay hoạt động bao nhiêu năm mới hết lỗ nếu lượng hành khách, nhu cầu đi lại tại các địa phương, khu vực đó chưa đủ lớn. Theo ước tính hiện nay, các địa phương, vùng dân cư đề xuất xây dựng sân bay trong bán kính khoảng 100km thì rất lãng phí về đất và chi phí đầu tư.

Hơn nữa, khi quyết định mở đường bay ở một sân bay mới, các hãng hàng không sẽ phải tính toán từ: Diện tích, dân số vùng đó bao nhiêu, dự kiến một năm đón bao nhiêu khách, kinh tế vùng đó phát triển thế nào… Nếu không có lãi, các hãng hàng không sẽ không mở đường bay. Do đó, làm quy hoạch sân bay phải đưa ra được những con số cụ thể, các tiêu chí rõ ràng để bất cứ ai nhìn vào đều thấy hợp lý và có hiệu quả.

- So với các nước trong khu vực và trên thế giới số lượng sân bay của Việt Nam ít hay nhiều, thưa ông?

- Tôi cảm thấy số lượng sân bay chúng ta đang nhiều quá. Sân bay không phải của tỉnh, mặc dù sân bay ở tỉnh nào thì lợi thế cho tỉnh đó. Hiện chúng ta làm chưa đúng. Ví dụ sân bay Hong Kong muốn phát triển thêm đường băng thứ 3 thì một nhóm gồm các hãng hàng không sẽ ngồi lại với nhau để bàn luận vấn đề này. Tại Việt Nam mới chỉ có chính quyền chứ chưa có các hãng hàng không tham gia nên xảy ra tình trạng rất nhiều tuyến bay chưa đủ khách.

Sân bay cam ranh Ảnh: Q.Khánh
Sân bay Cam Ranh
Ảnh: Q.Khánh

Tận dụng sân bay nhỏ hiện có

- Theo ông, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm vấn đề gì khi tiến hành quy hoạch lại hệ thống cảng hàng không?

Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Số lượng các cảng hàng không sẽ được rà soát và báo cáo Thủ tướng phê duyệt, bảo đảm sự phân bổ hợp lý và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.

Hiện tại Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg, giai đoạn đến năm 2020, cả nước có 23 cảng hàng không (thêm cảng hàng không Phan Thiết - chưa xây dựng), giai đoạn đến năm 2030 có 28 cảng hàng không (thêm 5 cảng gồm: Long Thành, Lai Châu, Nà Sản, Sa Pa, Quảng Trị).

Mật độ của 22 cảng hàng không đang khai thác trên diện tích cả nước đạt khoảng 16.000km2/cảng hàng không.

- Tôi cho rằng không cần có quá nhiều tiêu chí cho việc quy hoạch sân bay nhưng tiêu chí phải cụ thể, rõ ràng. Theo đó, không thể nói chung chung sân bay sẽ có khoảng 500.000 khách/năm mà phải chỉ rõ dựa trên cơ sở nào ra con số đó. Hiện nay có thể thống kê chính xác những số liệu đó. Đồng thời, phải công khai vì sao sân bay này được chấp nhận quy hoạch, sân bay kia không được… Ngoài ra, có thể lấy thêm thông tin các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Khi quy hoạch sân bay cần xét đến các phương tiện giao thông cạnh tranh khác. Giao thông cạnh tranh thuận lợi nhất hiện nay của chúng ta là đường bộ - vừa phục vụ nhiều tầng lớp dân cư nhất và thuận tiện nhất khi vận hành và chi phí đầu tư thấp hơn đường hàng không. Do đó, để giảm tải áp lực giao thông, cần ưu tiên đầu tư đường bộ.

- Với mạng lưới sân bay thì sao, thưa ông?

- Chúng ta nên tận dụng các sân bay nhỏ hiện có để triển khai chặng bay ngắn phục vụ nội địa chứ không nên làm nhiều sân bay lớn. Hiện có rất nhiều sân bay quân sự bị bỏ hoang, với đường bay khoảng 600m có thể sử dụng cho các máy bay nhỏ. Từ đó, có thể lập thành mạng lưới sân bay vệ tinh cung cấp khách cho các sân bay lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để đi chặng dài, chặng quốc tế.

Theo tôi, chúng ta có thể học tập việc phát triển sân bay nhỏ của các nước trên thế giới, sử dụng các máy bay dưới 19 chỗ thì hy vọng sẽ khai thác tối đa và hiệu quả. Bởi các sân bay nhỏ sử dụng cho máy bay nhỏ, đường bay ngắn đỡ tốn diện tích, phục vụ đa dạng nhiều nhu cầu về dân sự hơn là phát triển sân bay lớn vừa tốn nhiều chi phí mà nguy cơ lãng phí rất cao.

- Theo ông, cần làm gì để giảm tải cho các sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất?

- Đừng tính toán theo kiểu cơ học là số sân bay cần tăng lên mãi trong tương lai. Trước mắt, có thể giải quyết áp lực cho Nội Bài hay Tân Sơn Nhất bằng việc khôi phục và khai thác sân bay Gia Lâm, Biên Hòa.

- Xin cám ơn ông!

Quang Khánh thực hiện