Quy định về sử dụng người lao động cao tuổi
Chưa sát thực tế

26/12/2015 08:06

Thực tế đã phát sinh nhiều tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi vì những quy định bất cập, chưa sát thực tế gây khó khăn cho các bên trong quan hệ lao động.

Luật và nghị định “vênh” nhau

Thực tế, từ khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành và nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động đã khắc phục được nhiều hạn chế so với những quy định cũ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật cần được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm một cách thiết thực quyền lợi cho người lao động cao tuổi cũng như đối với các doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi.

Một trong những vấn đề gây khó cho quá trình thực hiện quy định về sử dụng người lao động cao tuổi, đó là sự xung đột giữa các điều luật và các văn bản dưới luật. Tại Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, có nghĩa nếu người lao động thiếu 1 trong 2 yếu tố, chẳng hạn đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì sẽ không bị chấm dứt hợp đồng. Thế nhưng, tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động lại nêu khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động. Rõ ràng, hai quy định này còn có sự “vênh” nhau. Nếu dựa vào nghị định thì dễ gây khó khăn cho lao động cao tuổi, doanh nghiệp lại thường vận dụng quy định tại văn bản hướng dẫn hơn là áp dụng trực tiếp quy định tại Luật.

Hay đối với trường hợp người lao động làm công tác quản lý trong bộ máy nhà nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2015/NĐ-CP Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức. Theo nghị định này, một số cán bộ giữ các chức vụ, chức danh được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Như vậy, những đối tượng người lao động được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, họ vẫn làm việc khi ở vào độ tuổi từ 55 - 60 đối với nữ, thậm chí là 65 (đối với nữ giáo sư); ở vào độ tuổi từ 60 - 65, thậm chí là 70 (đối với nam giáo sư) có được coi là người lao động cao tuổi hay không, hiện vẫn chưa được quy định rõ. Tăng tuổi nghỉ hưu trong một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù là điều cần thiết để tránh lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn. Song, về pháp luật chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm đến khi quyền và lợi ích hợp pháp của những người cao tuổi bị xâm hại, chưa được bảo vệ.

Chưa bảo vệ được lao động cao tuổi

Bộ luật Lao động quy định không được sử dụng người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… thể hiện sự bảo vệ sức khỏe đặc biệt đối với người lao động cao tuổi so với các lao động bình thường khác, thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Tuy nhiên, hướng dẫn nội dung này, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động lại quy định việc sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện về sức khỏe, phải khám sức khỏe định kỳ, làm việc không quá 5 năm… Với cách hướng dẫn này, rất dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng là cứ đủ điều kiện nêu trên thì được sử dụng người lao động cao tuổi vào làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Trong thực tế, không ít người lao động cao tuổi vì kế sinh nhai sẵn sàng chấp nhận làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Bên cạnh đó, việc quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc nhưng không quy định rõ về việc có được bố trí người lao động cao tuổi làm việc vào ca đêm hay không? được sử dụng lao động là người cao tuổi làm thêm giờ hay không? Như vậy, ở khía cạnh này, chúng ta thấy các quy định về bảo vệ người lao động cao tuổi còn chưa được chặt chẽ.

Thiết nghĩ, nếu chúng ta xác định người lao động cao tuổi là người làm việc sau độ tuổi nhất định (ví dụ sau 60 tuổi), hơn là việc quy định lao động cao tuổi là sau độ tuổi nghỉ hưu thì chúng ta xây dựng được các chính sách bảo vệ người lao động cao tuổi phù hợp hơn. Khi đó, tất cả các người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn sẽ áp dụng các quy định bảo vệ sức khỏe dành cho người lao động cao tuổi. Xác định rõ điều đó, chúng ta sẽ bảo vệ được sức khỏe người lao động cao tuổi và phát huy được nguồn lực lao động với kinh nghiệm quý báu và trình độ chuyên môn cao khi Việt Nam đang bước nhanh vào kỷ nguyên “dân số già”.

 Theo Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi cần hết sức lưu ý các quy định liên quan đến người lao động cao tuổi. Bởi lẽ, một mặt phải bảo đảm các quyền lợi của người lao động theo quy định, mặt khác bảo đảm chế độ đãi ngộ cho người lao động cao tuổi để tránh những tranh chấp phát sinh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định về sử dụng người lao động cao tuổi<br>Chưa sát thực tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO