Giáo viên dạy thêm ngoài trường phải đăng ký kinh doanh
Tháng 1.2025, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo thông tư quy định về dạy thêm học thêm, giáo viên không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học và không được dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy.
Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 14.2.
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông tư quy định: Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Thông tư 29 quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”.
Thông tư quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quản lý hoạt động này.
Thông tư 29 bảo vệ, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo, của ngành giáo dục, đồng thời giúp các thầy cô thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy. Học sinh chủ động, sáng tạo; thầy cô đóng vai trò định hướng, tổ chức các hoạt động giáo dục, hình thành cho các em thói quen, phương pháp, ý thức tự học và tự học suốt đời. Đây cũng chính là cốt lõi của nền giáo dục Việt Nam.
Chốt 3 môn thi vào lớp 10, chỉ xét tuyển vào lớp 6
Cũng từ ngày 14.2, Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ có hiệu lực.
Thông tư 30 nêu rõ phương thức tuyển sinh THCS theo hình thức xét tuyển; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chốt 3 môn, trong đó hai môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và một môn tự chọn do Sở GD-ĐT quyết định.

Như vậy học sinh không phải thi tuyển vào lớp 6 như mọi năm và các địa phương tổ chức thi vào 10 chỉ sử dụng 3 môn.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Thông tư 30 quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD-ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp.
Thông tư 30 cũng quy định tuyển sinh vào lớp 6 hằng năm chỉ tuyển sinh 1 lần. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với các trường có số học sinh đăng kí vào học vượt quá chỉ tiêu nhà trường được giao, Sở GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện đánh giá năng lực học sinh theo các hình thức (đã được quy định trong quy chế đánh giá học sinh) như: hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm,... bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có nhiều tỉnh, thành phố môn thi thứ 3 vào lớp 10, đa số đều là môn tiếng Anh.
Cập nhật danh sách các tỉnh, thành phố đã công bố môn thi thứ 3 kỳ thi vào lớp 10:
TT | Địa phương | Môn thứ ba |
1 | Bà Rịa - Vũng Tàu | Tiếng Anh |
2 | Bắc Kạn | Tiếng Anh |
3 | Bình Dương | Tiếng Anh |
4 | Cao Bằng | Tiếng Anh |
5 | Cần Thơ | Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Pháp) |
6 | Đồng Nai | Tiếng Anh |
8 | Hà Giang | Lịch sử và Địa lý |
9 | Hải Dương | Tiếng Anh |
10 | Hải Phòng | Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật, Hàn, Trung) |
11 | Huế | Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Nhật, Đức) |
12 | Lạng Sơn | Tiếng Anh |
13 | Lâm Đồng | Tiếng Anh |
14 | Khánh Hoà | Tiếng Anh (dự kiến) |
15 | Nghệ An | Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Pháp) |
16 | Quảng Ninh | Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc) |
17 | Quảng Nam | Tiếng Anh |
18 | Thái Bình | Tiếng Anh |
19 | Tiền Giang | Tiếng Anh |
20 | TP. Hồ Chí Minh | Tiếng Anh |
21 | Hà Tĩnh | Tiếng Anh |