Quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là bao nhiêu cho phù hợp

Vi Hoa 27/04/2012 08:50

So với các nước trên thế giới, hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tại nước ta được đánh giá là tương đối đầy đủ, tiến bộ. Từ những nội dung quy định trong Hiến pháp 1992 cho tới Bộ luật Lao động (sửa đổi) đều quy định trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề bình đẳng giới, tạo điều kiện cho cả phụ nữ và nam giới cùng phát triển tiến bộ và bình đẳng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ vẫn là vấn đề đặt ra.

Quỹ hưu trí đang chịu gánh nặng

Theo thống kê của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ LĐ, TB và XH, có khoảng 41% phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 năm (quy định nam giới 60 tuổi nghỉ hưu, nữ giới 55 tuổi), như vậy sẽ dẫn tới thời gian làm việc của phụ nữ ngắn hơn, cũng có nghĩa phụ nữ có ít cơ hội được đề bạt tới các vị trí cao hơn so với nam giới. Theo Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương, trước đây, trong điều kiện kinh tế-xã hội chưa phát triển và hệ thống hưu trí mới được hình thành, nhiều nước ủng hộ quan niệm là để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, cần phải ưu tiên đối với lao động nữ, đặc biệt khi phụ nữ vừa phải chịu gánh nặng công việc và gia đình. Do vậy, lao động nữ được quyền nghỉ hưu sớm hơn so với lao động nam. Thế nhưng, khi trên thực tế đã nảy sinh một số vấn đề như dân số già hóa, tuổi thọ dân cư tăng nhanh… đã làm ảnh hưởng đến cân đối quỹ hưu trí do gánh nặng chi trả lương hưu cho lao động nữ với thời gian hưởng ngày càng dài hơn.

Kết quả khảo sát mới đây của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội đã cho thấy, trong nhóm dân số từ 45- 54 tuổi, thì tỷ lệ phụ nữ đang hưởng lương cao hơn nhiều so với tỷ lệ nam giới đang hưởng lương hưu. Một trong những nguyên nhân là do quy định độ tuổi nghỉ hưu và mất sức lao động của phụ nữ sớm hơn 5 năm so với nam giới. Liên quan đến việc cân đối quỹ hưu trí, Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Hùng Cường băn khoăn rằng, theo dự báo đến năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không bảo đảm khả năng chi trả. Và tiếp theo các năm sau, thì số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm. Ông Nguyễn Hùng Cường giải thích, tình trạng mất cân đối quỹ có nhiều nguyên nhân, việc quy định tuổi nghỉ hưu còn thấp trong khi đó hiện tuổi thọ trung bình của nước ta ngày càng tăng đã làm thời gian trả lương hưu sẽ kéo dài. Bên cạnh đó, quy định giảm tuổi nghỉ hưu để giải quyết các chính sách khác mà không quy định bù vào số tiền phải đóng BHXH và hưởng lương do nghỉ hưu sớm hơn so với quy định. Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, hiện tình trạng mất cân bằng tài chính này do lực lượng lao động khu vực chính thức, tức là phải tham gia BHXH bắt buộc, đang gia tăng nhanh chóng. Hay nói cách khác, số lượng người đang hưởng lương hưu thấp hơn rất nhiều so với số lượng người đang đóng bảo hiểm. Tình trạng tài chính sẽ không thể bền vững trong dài hạn, khi dân số già hóa, số lượng người đóng bảo hiểm sẽ ít hơn số người hưởng lương hưu.

Cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ

Hiện tại, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là vấn đề không mới, thế nhưng vẫn chưa đi đến sự thống nhất. Xét ở góc độ bình đẳng giới, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Nguyên Cường cho rằng, hiện tại vẫn chưa được bình đẳng giữa hai giới, tại sao phụ nữ lại phải nghỉ hưu trước, và cần phải cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Nếu nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2015 với phương thức tăng dần, cứ 2 năm tăng thêm 1 tuổi đến khi nam đủ 65 tuổi, nữ đủ 60 tuổi thì chỉ riêng với thay đổi này thì quỹ hữu trí, tử tuất bảo đảm cân đối thêm khoảng 20 năm, do thời gian đóng BHXH kéo dài thêm 5 năm và thời gian hưởng lương hưu giảm 5 năm. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất trong các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí bền vững.

Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương kiến nghị, nếu nâng quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thêm 1 năm, từ 55 lên 56 tuổi sẽ dẫn tới giảm số lượng người về hưu mới. Theo quy định, những phụ nữ đến tuổi nghỉ hưu nhưng có thời gian đóng BHXH ít hơn 20 năm sẽ không được quyền hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện hành. Nếu nâng quy định về tuổi nghỉ hưu những người phụ nữ có khả năng sẽ được hưởng phúc lợi này. Đồng tình với ý kiến này, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐ, TB và XH Đặng Đức San cũng cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong lần sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Lao động lần này đã quy định linh hoạt hơn, để bảo đảm bình đẳng về quyền và lợi ích cho lao động nữ mà vẫn bảo đảm cân đối cho quỹ hưu trí.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, trước mắt Ủy ban sẽ đề xuất giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu hiện tại trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới, đồng thời linh hoạt đối với hai nhóm đối tượng. Thứ nhất, giảm tuổi nghỉ hưu đối với nhóm đối tượng làm việc ở vùng sâu, vùng xa, nơi độc hại nguy hiểm và lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao như phó giáo sư, giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học... Trong tương lai, khi hội tụ đủ các điều kiện phù hợp, sẽ nâng tuổi nghỉ hưu cho cả nữ và nam, vì nếu không sẽ không thể bảo đảm được Quỹ BHXH.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là bao nhiêu cho phù hợp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO