Bảo vệ người tiêu dùng trong tranh chấp thương mại điện tử

Quy định trách nhiệm liên đới

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:29 - Chia sẻ
Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh mới, không giới hạn về không gian, thời gian và đang dần chi phối thế giới nhờ chiếm lĩnh thị trường bởi lợi thế của internet. Ở Việt Nam, thương mại điện tử đang là miền đất hứa của các doanh nghiệp khi đã có nhiều cái tên rất nổi của kênh bán hàng online như Alibaba, Amazon, Sendo, Shopee…

Mua sắm thời Covid

Thị trường Thương mại Điện tử ở nước ta có xu hướng tăng dần đều ở những năm 2015 đến nay. Đặc biệt, ngành thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc, thu về 2,7 tỷ USD trong riêng năm 2019 và đã có hơn 35,4 triệu người sử dụng.

Đại dịch Covid -19 đã mở ra một bức tranh kinh tế mới cho thế giới và Việt Nam, thúc đẩy xu hướng thương mại điện tử phát triển một cách nhanh chóng. Theo khảo sát của Công ty tư vấn toàn cầu MC Kinsey & Company vào tháng 5.2020, xu hướng chuyển đổi của khách hàng từ hình thức bán hàng truyền thống sang các bán hàng trực tuyến tăng lên từ 2 - 3 lần.

Đặc biệt, theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử doanh nghiệp với khách hàng (B2C) tại Việt Nam năm 2019 là hơn 10 tỷ USD, chiếm gần 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. Tính đến tháng 4.2020 lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á. Với những thống kê ấn tượng này đã phần nào khẳng định được thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng, đóng góp một phần rất quan trọng cho tốc độ phát triển nền kinh tế của đất nước.

Quản lý cao cấp Amazon Global Selling Việt Nam Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc. Khủng hoảng do Covid-19 sẽ đi liền với cơ hội giúp các doanh nghiệp đa dạng về môi trường kinh doanh, tiếp cận được nguồn khách hàng trên toàn cầu. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) chính thức có hiệu lực, 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và châu Âu được xóa bỏ sẽ tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử Việt Nam tiến xa hơn trên thị trường thế giới.

Liên quan đến thương mại điện tử, ngoài Luật Bảo về người tiêu dùng, Luật Trọng tài thương mại...; còn có Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử… để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh như vũ bão của thị trường thương mại điện tử thì dường như hệ thống pháp luật đã bộc lộ những kẽ hở chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của loại hình kinh doanh này.

Nguồn: ITN

Dễ phát sinh tranh chấp

Khảo sát thực tiễn cho thấy, hầu hết sàn thương mại điện tử ở nước ta hiện chỉ yêu cầu nhà cung cấp, người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử nên dẫn đến dễ phát sinh tranh chấp giữa các bên. Bởi lẽ, với quy định như hiện nay các sàn rất khó kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người cung cấp/người bán về chất lượng hàng hóa. Thêm vào đó, các nhà cung cấp không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi sàn thương mại điện tử cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng; còn người tiêu dùng luôn đứng trước nguy cơ về lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, thiếu hoặc không có thông tin chính xác về người cung cấp, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa... Thực tế này cho thấy, việc nhận diện được rủi ro khi thực hiện các giao dịch trên sàn thương mại điện tử là điều cần thiết không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng.

Hiện, khi phát sinh tranh chấp trên các sàn thương mại điện tử, các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết như thương lượng, hòa giải, tòa án hoặc trọng tài. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, phương thức trọng tài dường như là phương thức tối ưu để các bên lựa chọn áp dụng. Bởi lẽ, đối với những đơn hàng có giá trị cao, xuyên quốc gia thì việc áp dụng phương thức giải quyết bằng trọng tài sẽ bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng, linh hoạt. Hơn nữa, phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hình thức trực tuyến cũng sẽ là sự lựa chọn trong tương lai của các bên khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiện phương thức này chưa được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Một trong những lý do được đề cập đến là một phần do tính chất pháp lý của phán quyết trọng tài chưa đủ mạnh. 

Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại điện tử là cần thiết; nhất là khi phát sinh tranh chấp đối với những giao dịch có giá trị nhỏ, nếu người tiêu dùng thương lượng, hòa giải không thành, họ thường chấp nhận bỏ qua mà không thực hiện tiếp phương thức trọng tài hoặc khởi kiện. Khắc phục tình trạng này, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, Dự thảo sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử đã bổ sung quy định sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm “Liên đới trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử nếu không thực hiện các nghĩa vụ...".  

Nguyễn Ngân