Quy định rõ trách nhiệm cơ quan soạn thảo nghị quyết HĐND
Chất lượng thẩm tra không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của các ban HĐND mà phụ thuộc rất nhiều vào công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo. Kinh nghiệm mà HĐND tỉnh Bắc Kạn rút ra trong nhiệm kỳ 2004- 2011, đó là để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, nhằm bảo đảm thời gian và chất lượng dự thảo nghị quyết, đề án... cần quy định rõ thời gian, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chuẩn bị văn bản trình kỳ họp.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND, dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh do UBND tổ chức soạn thảo. Trước đó, Thường trực HĐND đã phối hợp với UBND lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết, trình HĐND quyết định. Thực tế cũng cho thấy, chất lượng nghị quyết HĐND phụ thuộc nhiều vào việc tổ chức soạn thảo, thẩm tra của UBND và các ban HĐND. Chính vì vậy, trong quá trình ban hành nghị quyết, công tác soạn thảo, thẩm tra được HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Để thu thập thông tin phục vụ công tác thẩm tra, nhất là đối với những vấn đề chưa thống nhất, các ban HĐND tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tiếp cận nội dung các đề án, dự thảo nghị quyết ngay từ khâu khởi thảo. Đối với những nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng và chưa đủ cơ sở để đánh giá, các ban tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế để đối chiếu, làm rõ. Trong các cuộc họp thẩm tra, ban yêu cầu đại diện lãnh đạo cơ quan soạn thảo giải trình thêm những vấn đề chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thông tin, nhất là về cơ sở pháp lý và tình hình thực tiễn, bổ sung vào dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND. Các báo cáo thẩm tra vì vậy đều được đánh giá cao, là cơ sở nâng cao chất lượng quyết định của HĐND. Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của ban, HĐND tỉnh xem xét, yêu cầu sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa hoàn thiện, hoặc quyết định không thông qua những vấn đề còn nhiều điểm bất cập.
Cụ thể qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách đã từng đề xuất HĐND tỉnh không đưa vào nội dung kỳ họp Dự thảo Nghị quyết về việc bố trí vốn thành lập Quỹ giải quyết việc làm và hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Vì theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập quỹ này và giao Giám đốc Sở Tài chính làm chủ tài khoản. Việc UBND tỉnh chưa có quyết định thành lập Quỹ, nhưng đã trình HĐND bố trí vốn thành lập quỹ là chưa bảo đảm trình tự. Qua thẩm tra, ban HĐND cũng phát hiện một số điểm chưa phù hợp trong Dự thảo Nghị quyết về việc Ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, tiêu hủy, bán tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn. Đó là việc chưa phân cấp quản lý tài sản nhà nước cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành cấp tỉnh, các phòng, ban trực thuộc cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn. Theo đề xuất của các ban, HĐND quyết định chỉ ban hành nghị quyết quy định tạm thời việc phân cấp, đồng thời giao UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện để trình HĐND xem xét vấn đề này tại kỳ họp sau.
Tuy nhiên thực tế, hoạt động của các ban HĐND hiện gặp nhiều khó khăn do các thành viên chủ yếu kiêm nhiệm. Trong công tác thẩm tra, nhiều thành viên ban không thể hiện quan điểm, chủ yếu đồng ý với nội dung đã được các đại biểu chuyên trách và chuyên viên giúp việc chuẩn bị trước. Mặt khác, vẫn tồn tại tình trạng dự thảo nghị quyết gửi đến các ban thẩm tra chậm, thậm chí trước khai mạc kỳ họp 1 – 2 ngày các thành viên ban có nhiệm vụ thẩm tra mới nhận được văn bản từ cơ quan soạn thảo, nên việc thẩm tra khó tránh khỏi qua loa, hình thức.
Khắc phục tình trạng trên, HĐND tỉnh đã ban hành Quy định về việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết, xác định rõ thời gian, danh mục hồ sơ gửi các ban HĐND thẩm tra, thời gian và danh mục hồ sơ dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm thời gian chuẩn bị văn bản trình kỳ họp và trả lời chất vấn, kiến nghị. Quá trình chuẩn bị, nếu hồ sơ dự thảo nghị quyết không bảo đảm thời gian cho các ban thẩm tra, Thường trực HĐND kiên quyết không đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp. Trong khi thẩm tra, nếu thấy hồ sơ không đầy đủ, chất lượng chưa bảo đảm, ban phải đề nghị Thường trực HĐND báo cáo tại phiên họp trù bị để HĐND xem xét, quyết định có đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp hay không. Ban HĐND có nhiệm vụ thẩm tra cũng phải tích cực thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là qua hoạt động khảo sát, giám sát để nắm chắc tình hình từng lĩnh vực, phát hiện những mặt mạnh, yếu... làm căn cứ đề xuất, kiến nghị những vấn đề phù hợp. Theo kinh nghiệm của các ban, hoạt động giám sát sâu sẽ giúp HĐND có căn cứ thực tiễn để đưa ra lập luận xác đáng về những thông tin, số liệu trong báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm vừa qua, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện chỉ tiêu phát triển KT - XH trong 6 tháng đầu năm tại các địa phương, qua đó nắm những chỉ tiêu đạt được của từng địa phương, nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, các ban HĐND đối chiếu với báo cáo của UBND tỉnh và các ngành, thấy được những mẫu thuẫn trong số liệu và đánh giá của UBND tỉnh và chỉ ra được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Những đề xuất, kiến nghị trong báo cáo thẩm tra đã được tiếp thu để bổ sung hoàn thiện báo cáo, dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND.
Những kỳ họp HĐND tỉnh gần đây, trước khai mạc, Thường trực HĐND đều tổ chức họp với các ban để trao đổi về những vấn đề nổi lên qua thẩm tra, giúp Chủ toạ kỳ họp nắm bắt tinh thần và các ý kiến trái chiều đối với từng báo cáo, tờ trình đề án để hướng đại biểu trao đổi, thảo luận làm rõ vấn đề các ban HĐND đưa ra.
Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quyết định chất lượng thẩm tra là trình độ, năng lực và trách nhiệm của mỗi đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách. Vì vậy, thành viên các ban, nhất là Trưởng, Phó trưởng ban HĐND phải có năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp, đặc biệt cần có nhiều đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí vào các ban. Đội ngũ chuyên viên giúp việc cũng cần có năng lực và am hiểu nhiều lĩnh vực mới phát hiện được vấn đề để tham mưu cho các ban xem xét, đánh giá chính xác. Bên cạnh đó, việc bảo đảm thời gian và chất lượng các đề án, dự thảo nghị quyết cũng là yếu tố quan trọng. Vì vậy, cần cụ thể hóa những quy định hiện hành để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc bảo đảm thời gian và chất lượng đề án, dự thảo nghị quyết... Điều này sẽ góp phần khắc phục tính hình thức trong hoạt động thẩm tra và nâng cao chất lượng nghị quyết của HĐND.