Chính trị

Quy định rõ thời gian cho ý kiến với kế hoạch thanh tra tỉnh

Lê Bình 08/05/2025 19:58

Chiều 8/5, thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương), các đại biểu cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

t1.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long

Nghiêm cấm hành vi làm thay đổi hoặc sai lệch tài liệu, vật chứng

Phát biểu tại Tổ, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, quy định tại khoản 3, Điều 4 theo hướng “Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước, không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra” là chưa đầy đủ.

Bởi trong thực tiễn, ngoài hoạt động thanh tra còn có hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, của Ủy ban MTTQ các cấp, và còn có hoạt động kiểm tra của các cơ quan.

“Thực tế tại địa phương, khi HĐND, Đoàn ĐBQH xây dựng kế hoạch giám sát nếu thấy cơ quan nào đã bị thanh tra sẽ không đến giám sát ở những cơ quan đó, mà sẽ sử dụng luôn kết quả của cơ quan thanh tra để tránh trùng lặp. Một sự việc, một thời điểm, một đối tượng sẽ chỉ do một cơ quan làm”.

t2.jpg
ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đưa ra thực tế này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, dự thảo Luật cần quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra không trùng lặp về phạm vi, thời gian với các cơ quan giám sát, cơ quan kiểm tra khác để không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Từ thực tế theo dõi công tác kiểm toán, thanh tra hàng năm, ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) nhận thấy, định hướng thanh tra của năm, kế hoạch thanh tra của từng cơ quan thanh tra thường được ban hành sớm hơn kế hoạch kiểm toán hàng năm, nên có xảy ra trùng lắp, chồng chéo giữa hai kế hoạch này.

Đại biểu cũng nhận thấy, để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán nhà nước, khoản 1 Điều 57 của dự thảo Luật quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Tổng Kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, quy định của dự thảo Luật còn chung chung, cần tiếp tục hoàn thiện, đưa ra quy định về nguyên tắc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra hàng năm, để tránh xảy ra trùng lắp, đúng mục tiêu “hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đối tượng thanh tra, kiểm toán”.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) tán thành với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 6, Điều 6 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), theo đó nghiêm cấm hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác… Song, từ tiếp nhận ý kiến của cử tri, đại biểu cũng đề nghị, bổ sung nghiêm cấm với hành vi làm thay đổi hoặc sai lệch tài liệu, vật chứng.

Khoản 2, Điều 29 quy định “Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật”.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, quy định “chuyển ngay” trong điều khoản này là không rõ, cần quy định cụ thể thời gian phải chuyển tài liệu thanh tra cho cơ quan điều tra.

Cần điều chỉnh tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra

Tại điểm a khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh theo hướng “ Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra, lấy ý kiến của Thanh tra Chính phủ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến về chủ trương, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra".

Đề nghị xem xét tính cần thiết của quy định này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lý giải, theo quy định tại Điều 18 của dự thảo Luật thì Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra của năm sau. Trong thực tế, Thanh tra tỉnh cũng xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra trên kế hoạch của cơ quan cấp trên, sau đó xin ý kiến của UBND tỉnh, thành phố.

Quy định như dự thảo Luật không chỉ gây tăng thủ tục hành chính, đại biểu cũng lo ngại, Thanh tra Chính phủ khó có thể cho ý kiến chi tiết với kế hoạch thanh tra của tỉnh, vì Thanh tra tỉnh chỉ thanh tra những hoạt động của từng địa phương. Thanh tra Chính phủ có đủ nhân lực, nguồn lực và thời gian để rà soát toàn bộ kế hoạch thanh tra của các tỉnh, thành phố không, hay lại tạo ra một thủ tục hành chính không cần thiết?

Với những lý do trên, đại biểu cho rằng, nếu vẫn giữ quy định này tại dự thảo Luật cần quy định rõ thời gian Thanh tra Chính phủ cho ý kiến với dự thảo kế hoạch thanh tra của tỉnh, tránh tình trạng “bên dưới cứ đợi, bên trên cứ ngâm” gây khó khăn cho các địa phương thực hiện.

t3.jpg
ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể thời gian thẩm định kết quả thanh tra, tránh để kết quả thanh tra “từ năm này qua năm kia” vẫn được.

Thực tế có những vụ thanh tra phải sau 5 năm mới đưa ra kết luận, trong thời gian đó đã phát sinh không biết bao nhiêu hệ lụy, đặc biệt là liên quan đến thực hiện công tác cán bộ. Bởi, theo quy định hiện hành, cơ quan, đơn vị nào đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì không được xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Vì thế, đồng chí nào nằm trong cuộc thanh tra đều bị liên lụy, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cán bộ.

Về tiêu chuẩn chung bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 8), đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhận thấy, tại điểm c khoản 2 quy định: “có bằng tốt nghiệp đại học trở lên" là cơ bản giữ nguyên như luật hiện hành. Nhưng từ quá trình thực hiện cho thấy quy định điều kiện bổ nhiệm vào ngạch thanh tra này chưa chặt chẽ, vì có bất cứ bằng đại học nào cũng có thể xét bổ nhiệm làm thanh tra viên. Trong khi đó, nếu thanh tra viên không có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan sẽ hết sức khó khăn khi làm thanh tra.

“Quy định chung chung về Tiêu chuẩn chung bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên có thể tạo kẽ hở, vô hình chung làm giảm chất lượng hoạt động thanh tra”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, cần quy định “có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm của công chức thanh tra”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định rõ thời gian cho ý kiến với kế hoạch thanh tra tỉnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO